Thứ Tư, 18/10/2006 11:29

Cty Xây dựng Công nghiệp: 99,98% cổ phần bị từ chối mua!

Việc nhiều nhà đầu tư trúng thầu đã nhất loạt từ chối mua đến 99,98% cổ phần Công ty Xây dựng Công nghiệp (ICC) chào bán công khai tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán hiện đang khiến các cơ quan, ban, ngành lúng túng...

Vì đâu nên nỗi?

ICC là doanh nghiệp Nhà nước, được thành lập từ năm 1960 với ngành nghề kinh doanh chính là: xây dựng công trình công nghiệp, nhà ở, công trình công cộng; sản xuất cấu kiện bê-tông; kinh doanh nhà cửa; nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư; xây dựng, lắp đặt công trình giao thông, lâm nghiệp, thủy lợi... Hiện, ICC có nguồn vốn chủ sở hữu khoảng 37 tỷ đồng và là đơn vị duy nhất trong 18 doanh nghiệp thành viên thuộc Tổng Công ty Đầu tư Phát triển hạ tầng đô thị đã tiến hành cổ phần hóa thực hiện bán đấu giá cổ phần công khai tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Ngay từ trước thời điểm 28/6/2006 - thời điểm phiên đấu giá bán cổ phần lần đầu diễn ra, tâm lý chung của lãnh đạo công ty này đã rất băn khoăn, lo lắng. Mặc dù không thể đừng được nữa vì lúc đó đã hơn 1 tháng kể từ ngày ra thông báo tạm hoãn, song theo nhận định chủ quan của chính những người trong cuộc - ''cổ phiếu của ICC khi đấu giá có thể sẽ đạt giá thấp do không hấp dẫn được các nhà đầu tư''.

Bởi lẽ, chính những người trong cuộc hiểu hơn ai hết: Tình hình sản xuất của ICC trong nửa đầu năm 2006 gặp rất nhiều khó khăn do biến động giá cả, công nợ của các chủ đầu tư với công ty lên tới trên 40 tỷ đồng, một số công trình thi công chậm, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp (tòa nhà Vườn Xuân 71 Nguyễn Chí Thanh cao 36 tầng mắc mớ giải phóng mặt bằng, khi hoàn thiện thì thiết kế những tầng thấp của tòa nhà này hầu như phải thay đổi hoàn toàn để phù hợp với yêu cầu của các đơn vị thuê mặt bằng - nên chậm tiến độ nghiêm trọng)... là những thông tin mà các nhà đầu tư không thể bỏ qua khi quyết định nên hay không nên trở thành cổ đông của công ty này thông qua việc tham gia đấu giá ngày 28/6/2006.

Thế là, cái gì phải đến đã đến: Biên bản kết quả đấu giá ngày 28/6/2006 đã xác định còn lại 99 nhà đầu tư với số lượng cổ phần đăng ký là 7.184.900 cổ phần được tiếp tục mua. Do số lượng cổ phần từ chối mua tại lần 1 này quá lớn (99,98%) nên Trung tâm Giao dịch chứng khoán chưa tiến hành tổng hợp nhu cầu và phân phối số cổ phần này cho các nhà đầu tư có nhu cầu theo thứ tự trả giá từ cao xuống thấp được!

Nếu đúng theo quy chế đấu giá bán cổ phần lần đầu ra bên ngoài của ICC do Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội ban hành thì sau khi nhận được thông báo kết quả đấu giá do Tổ chức bán đấu giá và đại lý đấu giá gửi, các nhà đầu tư trúng giá mua cổ phần có trách nhiệm thanh toán tiền mua trong thời hạn từ ngày 29/6/2006 đến hết ngày 19/7/2006.

Hai tháng sau phiên đấu giá, ngày 28/8/2006, Bộ Tài chính có công văn số 10471/BTC-TCDN trả lời Sở Tài chính về việc xử lý số cổ phần chưa bán hết như sau: ''Tổ chức đấu giá cổ phần chưa bán hết (đấu giá lần 2) theo quy định tại điểm 3 và 6, phần B, mục V Thông tư 126/2004/TT-BTC ngày 24/12/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ về chuyển công ty Nhà nước thành công ty cổ phần. Sau khi bán đấu giá lần 2, nếu không bán hết số cổ phần chào bán thì UBND TP Hà Nội quyết định điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ và thực hiện chuyển Công ty Xây dựng Công nghiệp thành công ty cổ phần theo quy định hiện hành của Nhà nước''.

Ý kiến của Bộ Tài chính chưa phù hợp với Thông tư của chính Bộ này?

Theo ông Phí Thái Bình - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, tại điểm 5 và 6 phần B, Thông tư số 126/2004/TT-BTC quy định: Nếu quá thời hạn 15 ngày mà nhà đầu tư vẫn không nộp, hoặc không nộp đủ so với số tiền phải thanh toán mua cổ phần thì số cổ phần chưa được thanh toán được coi là số cổ phần nhà đầu tư từ chối không mua hết và được xử lý theo quy định tại điểm 6 phần B mục V Thông tư này. Nhà đầu tư không mua hết số lượng cổ phần được quyền mua theo kết quả đấu giá đã công bố thì không được nhận lại số tiền đặt cọc tương ứng với số cổ phần từ chối mua.

Về việc xử lý số cổ phần bán không hết, điểm 3 và 6 phần B mục V Thông tư số 126/2004/TT-BTC quy định: Trường hợp nhà đầu tư không mua hết thì số cổ phần còn lại lần lượt được bán cho các nhà đầu tư trả giá cao liền kề cho đến hết số cổ phần chào bán.

Còn điều 17.1 của Quy chế đấu giá bán cổ phần lần đầu ra bên ngoài của ICC thì ghi rõ: ''Trường hợp hết thời hạn thanh toán nhưng nhà đầu tư không nộp hoặc chỉ nộp một phần tiền, Tổ chức bán đấu giá sẽ thông báo công khai tại trụ sở của mình và các đại lý về số lượng cổ phần chưa được phân phối do nhà đầu tư không nộp tiền. Trong vòng 2 ngày làm việc tiếp theo, nhà đầu tư đã tham gia đấu giá nếu có nhu cầu mua phải làm thủ tục đăng ký mua. Tổ chức bán đấu giá và Đại lý đấu giá tổng hợp nhu cầu và phân phối số cổ phần này cho các nhà đầu tư có nhu cầu mua theo thứ tự trả giá từ cao xuống thấp với mức giá đã đặt mua tại cuộc bán đấu giá...'".

Hiện nay, đã có vài trong số 99 nhà đầu tư tham gia phiên đấu giá lần 1 có đơn đề nghị được mua cổ phần theo quy định tại điều 17 Quy chế đấu giá bán cổ phần lần đầu ra bên ngoài của ICC và theo điểm 3 và 6 phần B mục V Thông tư số 126/2004/TT-BTC của Bộ Tài chính. Như vậy, nếu thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính sẽ có khả năng một số nhà đầu tư trả giá cao liền kề muốn mua sẽ khiếu nại vì không đúng với quy định tại Thông tư số 126/2004/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ và Quy chế đấu giá bán cổ phần lần đầu ra bên ngoài của Công ty Xây dựng Công nghiệp đã công khai cho các nhà đầu tư tham gia phiên đấu giá.

Nếu giải quyết cho các nhà đầu tư trả giá cao liền kề thì lại vi phạm về thời gian quy định do số lượng cổ phần từ chối mua quá lớn (99,98%) - nên Trung tâm Giao dịch chứng khoán chưa tiến hành các bước tiếp theo mà phải xin ý kiến của Ủy ban chứng khoán nhà nước, đồng thời sẽ phát sinh chênh lệch giá lớn giữa giá trúng thầu từ chối mua với giá nhà đầu tư liền kề có nhu cầu đăng ký mua, dẫn đến thất thoát vốn của Nhà nước.

Hôm 16/10/2006, UBND TP Hà Nội đã có công văn số 4720/UBND-CN gửi Bộ Tài chính báo cáo toàn bộ sự việc và các khả năng có thể xảy ra như trên, xin ý kiến hướng dẫn của bộ này nhằm tránh khiếu nại và thất thoát vốn Nhà nước khi bán cổ phần ra bên ngoài (trong khi Chính phủ và Bộ Tài chính chưa có hướng dẫn sửa đổi, thay thế Nghị định số 187/2004/NĐ-CP và Thông tư số 126/2004/TT-BTC).

Cũng theo ông Phí Thái Bình, hiện tượng nhà đầu tư trúng thầu từ chối mua cổ phần với khối lượng lớn (trên 80%) tương tự như trường hợp của ICC còn xảy ra ở một số doanh nghiệp khác của Thủ đô như: Công ty Xây dựng số 3, SERVICO, Sản xuất xuất nhập khẩu Từ Liêm...

VNN

Các tin tức khác

>   Phát hành cổ phiếu ra công chúng của Công ty CP In và Bao bì Mỹ Châu (17/10/2006)

>   Chấp thuận nguyên tắc việc đăng ký phát hành cổ phiếu của Công ty CP Dược Hậu Giang (17/10/2006)

>   OCB hiện đại hóa công nghệ ngân hàng (17/10/2006)

>   Cho vay cầm cố cổ phiếu Tiện ích, an toàn (17/10/2006)

>   Từ năm 2007, cổ phần hoá 11 Tổng công ty ngành nông nghiệp (16/10/2006)

>   Ngân hàng Quân đội sắp phát hành 220 tỷ đồng trái phiếu (16/10/2006)

>   Bán tiếp cổ phần của Cty Lương thực Thực phẩm Vĩnh Long (16/10/2006)

>   BVSC được phát hành hơn 2 triệu cổ phiếu (16/10/2006)

>   Cổ phần hóa Bảo Việt ngay trong năm nay (16/10/2006)

>   Cổ phần Giấy Sài Gòn xuất khẩu giấy bao bì (14/10/2006)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật