Cổ phần hoá, giải pháp tốt nhất để ngân hàng hội nhập
Theo các cam kết, khi gia nhập WTO, lĩnh vực ngân hàng sẽ được mở cửa dần theo lộ trình 7 năm. Ngành ngân hàng sẽ có những thay đổi cơ bản khi các tổ chức tài chính nước ngoài có thể nắm giữ cổ phần của các ngân hàng Việt Nam. Đặc biệt, việc xuất hiện các ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam sẽ làm thay đổi mạnh cơ cấu thị phần.
Không phải chờ đến khi trở thành thành viên WTO, ngay từ 2006, trong lĩnh vực ngân hàng, Việt Nam phải gỡ bỏ dần các hạn chế về tỷ lệ tham gia cổ phần của các định chế tài chính nước ngoài theo cam kết trong Hiệp định Thương mại với Hoa Kỳ. Đến năm 2008, Việt Nam sẽ phải “mở” toàn bộ các quy định về việc khống chế tỷ lệ tham gia góp vốn, dịch vụ, giá trị giao dịch của các ngân hàng nước ngoài theo các cam kết trong khuôn khổ Hiệp định khung về hợp tác thương mại dịch vụ (AFAS) của Hiệp hội các nước ASEAN. Tất cả những điều này đang gây nên một sức ép lớn đối với hệ thống ngân hàng trong nước, buộc các Ngân hàng phải tăng tốc thực hiện các kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh để ngân hàng có thể đối mặt với những thách thức sống còn.
Theo bà Dương Thu Hương - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế ngân sách Quốc hội thì giải pháp quan trọng nhất để các ngân hàng Việt Nam hội nhập thành công là đẩy mạnh tiến trình cổ phần hoá. Đây là một định hướng rất rõ ràng và cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Trên bình diện chung, bà Dương Thu Hương cho rằng, việc gia nhập WTO chắc chắn sẽ có những khó khăn nhưng các ngân hàng Việt Nam có thể chịu đựng được vì trong một thời gian dài, hệ thống ngân hàng (NH) Việt Nam cũng đã được Chính phủ thực hiện cải cách, tăng cường năng lực tài chính, xây dựng các cơ sở pháp lý cho ngân hàng phát triển. Đó là sự chuẩn bị cho giai đoạn hậu WTO.
Đồng thời, cũng phải thấy rằng hệ thống NH hiện nay so với thời kỳ đầu đổi mới có bước tiến khá dài nên tôi cho rằng với môi trường mới các NH sẽ có những thích nghi. Hiện nay, hệ thống NH thương mại cổ phần (TMCP) đã được sắp xếp lại, NH yếu cho sáp nhập - giải thể, còn lại những ngân hàng đáp ứng đủ nhu cầu. Hệ thống NH thương mại quốc doanh cũng được tạo điều kiện phát triển. Bên cạnh đó, chúng ta có một điều kiện thuận lợi khách quan là "chiến đấu trên sân nhà", NH Việt Nam của người Việt Nam. Tôi tin rằng, sau những khó khăn ban đầu, các NH sẽ có những biện pháp thích nghi sớm.
- Thưa bà, điều lo lắng nhất của các NH Việt Nam khi bước vào hội nhập là xuất phát điểm thấp, nhất là quy mô tài chính nhỏ bé trung bình chỉ khoảng 20 - 250 triệu USD. Vậy các Ngân hàng làm sao đề khắc phục được điểm yếu này?
- Quy mô nhỏ đúng là một khó khăn nhưng chúng ta đã có biện pháp. Tôi tin rằng với những biện pháp của Chính phủ như cổ phần hoá (CPH) thì năng lực tài chính NH sẽ tăng lên. Hiện nay, như chúng ta thấy, cổ phiếu của NH rất đắt hàng và có giá khá cao, điều này cho thấy người ta sẵn sàng bỏ tiền vào đầu tư cho ngân hàng và như thế việc nâng cao năng lực tài chính của ngân hàng thì đã có giải pháp, có hướng đi. Cái quan trọng là tổ chức thực hiện để phương án đó sớm thành hiện thực thì vấn đề năng lực tài chính sẽ được giải quyết.
Điều chúng ta lo nhất là không có hướng đi, lo nhất là trông chờ vào ngân sách nhưng bây giờ hướng đi rất rõ ràng. Hướng đi này cách đây 5 năm không ai dám nghĩ đến, nhưng bây giờ đã được khẳng định và đang được đẩy mạnh thực hiện.
Bước đầu việc CPH ngân hàng tại Vietcombank tốc độ chậm, một phần là do đây là bước đi đầu tiên còn gặp nhiều khó khăn nhưng chắc chắn trong thời gian tới Nhà nước sẽ có những biện pháp để khẩn trương CPH các NH. Tôi được biết, ngoài hai ngân hàng được chọn CPH thí điểm, các NH khác rất ủng hộ và rất mong muốn CPH như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) cũng đã có những bước chuẩn bị rất chủ động.
- Chất lượng hoạt động của NH Việt Nam hiện nay cũng là một điểm yếu. Điều này sẽ là một thách thức lớn khi thời điểm các ngân hàng nước ngoài được tự do kinh doanh tại Việt Nam đã đến gần. Bà nghĩ thế nào về vấn đề này?
- Hệ thống các NH thương mại Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn dựa vào tín dụng mà đây lại là hoạt động nhiều rủi ro. Trong khi đó, hoạt động dịch vụ tỷ trọng còn thấp, nếu so với ngân hàng nước ngoài thì yếu hơn mà chúng ta biết kinh doanh dịch vụ thì rủi ro rất ít thậm chí là không có. Đây thực sự là một điểm yếu mà NH Việt Nam phải cải tiến.
Vì vậy, các NH Việt Nam phải nâng tỷ lệ dịch vụ của mình lên cao hơn nữa để giảm rủi ro, hơn nữa khi dịch vụ ngân hàng càng phát triển thì các NH càng có điều kiện thu hút vốn hậu thuẫn cho hoạt động tín dụng. Công bằng mà nói thì so với thời kỳ đầu đổi mới thì dịch vụ ngân hàng Việt Nam cũng đã phát triển khá rồi nhưng so với yêu cầu thì còn non yếu.
Tuy nhiên, để dịch vụ ngân hàng phát triển thì cần có một hệ thống pháp lý hoàn chỉnh. Bởi vì không thể cứ mở dịch vụ thoải mái được. Ví dụ, ở nước ngoài, dịch vụ séc người ta có hẳn Luật séc để quản lý. Nói như thế để thấy, để phát triển cần tạo ra một nền tảng pháp lý cho NH Việt Nam cho mở rộng các dịch vụ. Bên cạnh đó cần đáp ứng các điều kiện về khoa học kỹ thuật, lực lượng cán bộ và trình độ quản lý.
- Nói về công nghệ NH, cũng còn nhiều vấn đề thưa bà. Chỉ riêng chuyện hệ thống ATM các ngân hàng đến nay vẫn chưa kết nối được với nhau cũng cho thấy có nhiều cản trở khi áp dụng công nghệ?
- Theo tôi, việc hệ thống ATM các NH mãi không kết nối được với nhau cũng hơi ấu trĩ về mặt nhận thức. Hiện nay, chúng ta thấy, có một chỗ đặt mấy máy ATM của các ngân hàng khác nhau nhưng thẻ ngân hàng nào chỉ dùng cho ngân hàng ấy, tại sao không liên kết, thay vì một chỗ đặt nhiều máy thì chỉ cần một máy nhưng chấp nhận nhiều thẻ của các NH khác nhau thì sẽ rất tiện lợi và tiết kiệm. Các NH ra sức mở rộng mạng lưới của mình mà không liên kết là một sự lãng phí và nảy sinh nhiều vấn đề như đẩy giá thuê mặt bằng lên cao, mỗi NH một hệ thống rất lãng phí. Các NH hàng phải liên kết lại, trong đó cần vai trò một "nhạc trưởng" đó chính là NHNN và Hiệp hội NH.
Tuy nhiên đầu tư cho công nghệ NH cũng có cái khó, bởi vì để có công nghệ tốt thì phải đầu tư, đầu tư thì phải đòi hỏi năng lực tài chính tốt và đây chính là cái khó của NH.
- Nói như thế phải chăng dù rất muốn nhưng NH đang rơi vào lòng luẩn quẩn do thiếu vốn?
- Tôi nghĩ rằng khi CPH thì năng lực tài chính của NH sẽ mạnh hơn. Khi có nguồn vốn lớn các NH có quyền dùng một phần tiền để đầu tư cho công nghệ. Nếu thực hiện cổ phần hoá nhanh, hiệu quả thì việc này xử lý không có gì khó. Hãy nhìn các NH TMCP muốn là làm được ngay còn NH quốc doanh to như thế chả nhẽ lại trông chờ ngân sách, mà trông chờ ngân sách quá lâu. Chúng ta phải mở đường cho các ngân hàng thực hiện CPH. Cổ phần hoá là biện pháp quan trọng nhất để nâng cao năng lực và hội nhập.
- Có rất nhiều việc cần làm trong quá trình đổi mới hệ thống, điều này đòi hỏi một "nhạc trưởng" đủ mạnh nhưng dường như NHNN chưa thể hiện được vài trò đó. Chúng ta vẫn thấy, nhiều quyết định từ NHNN hiện vẫn không mấy tác động đến thị trường?
- Cần phải nói rằng, NHNN đã có bước tiến rất xa, thể hiện được vị trí của một Ngân hàng Trung ương trong nền kinh tế thị trường nhưng đó chỉ mới là hình thức còn nội dung bên trong cần phải cải thiện hơn nữa cả về chức năng nhiệm vụ, sự độc lập, cải tổ bộ máy và năng lực quản lý... tất cả đều phải hoàn thiện hơn mới đáp ứng vai trò "nhạc trưởng".
Ở các nước, chỉ cần Ngân hàng Trung uơng có động tác tăng - giảm lãi suất tái chiết khấu thì cả thị trường tiền tệ rung động nhưng ở Việt Nam hiệu ứng còn đang quá hạn chế vì tất cả các cơ chế về lãi suất của NHTW mà người ta gọi là cơ chế truyền dẫn vẫn chưa có hiệu lực. Bởi vậy, cần phải làm sao cho nó theo thông lệ quốc tế, theo quy luật của thị trường tiền tệ. Sắp xếp lại để tạo hiệu ứng lan truyền, truyền tải tới thị trường thì mới có thể thực hiện được.
Ngay như lãi suất cơ bản là lãi suất định hướng đối với thị trường để phát ra một tín hiệu để NH TM có căn cứ huy động vốn. Còn ở ta nhiều lúc lãi suất cơ bản vẫn còn rời xa xu thế thị trường chưa phát huy tác động mạnh mẽ tới thị trường trong khi đáng lẽ nó phải có tác động điều khiển thị trường.
- Một trong những yêu cầu của hội nhập là việc xây dựng các chính sách pháp luật. Trong lĩnh vực ngân hàng, việc xây dưng pháp luật được thực hiện như thế nào thưa bà?
- Quốc hội khoá 11 rất mong muốn đẩy nhanh tiến trình đẩy nhanh cải cách 2 luật liên quan đến ngân hàng nhưng NHNN chỉ đề nghị sửa có mấy điều thôi nên không thực hiện được. Việc sửa luật không phải chỉ là mong muốn riêng của UB Kinh tế ngân sách đâu mà thực tế đã không ít đại biểu cho rằng Luật Ngân hàng sửa như thế còn ít.
Tôi biết rằng việc sửa đổi cơ bản hai luật ngân hàng cũng đã được quyết định làm càng sớm càng tốt. Nhưng chắc phải đến khoá 12 chứ khoá 11 không còn kịp nữa rồi.
Chúng ta biết rằng, việc sửa đổi Luật sớm sẽ tạo hành lang pháp lý cho NH bước vào hội nhập tốt hơn. Khi đã bước vào hội nhập mà cuối năm nay có thể vào WTO mà mới bắt đầu đi sửa luật là đã chậm mất 1 nhịp.
- Hiện nay, có xu hướng phát triển các NH thương mại thành các tập đoàn tài chính, theo bà xu hướng này đã nên thực hiện chưa khi mà các NH còn phải đối mặt với nhiều hạn chế về năng lực tài chính, công nghệ, con người?
- Tôi nghĩ rằng đấy là xu hướng nhìn về tương lai, để các ngân hàng có ý thức chuẩn bị. Còn nói áp dụng ngay từ bây giờ thì cũng hơi khó khăn. Với năng lực tài chính, con người như hiện nay mà mở ra nhiều quá thì nên thận trọng. Vừa làm vừa học vừa mở, mạnh đến đâu là mở đến đấy. Cái quan trọng là hãy vững mạnh với vị thế một ngân hàng thương mại đã, khi đã vững mạnh với vị thế một NH rồi thì mở rộng ra.
Xin cảm ơn bà!
VNN
|