Hoạt động kiểm tra sau thông quan của Hải quan Thái Lan
Cục Kiểm tra sau thông quan (KTSTQ)-Hải quan Thái Lan được thành lập tháng 10-2002 với nhiệm vụ kiểm tra các chứng từ sau khi hàng hoá được thông quan và thực hiện KTSTQ. Ngoài ra, Cục còn chịu trách nhiệm lưu trữ và kiểm tra các chứng từ được nộp sau khi hàng hoá được thông quan.
Theo quy định của Hải quan Thái Lan, nhân viên KTSTQ phải nắm vững pháp luật, quy trình thủ tục liên quan đến thương mại quốc tế; kỹ thuật nghiệp vụ, kỹ thuật kiểm toán, nguyên tắc kế toán chung, công nghệ thông tin và phải có trình độ ngoại ngữ nhất định. Nhân viên hải quan trong các đơn vị KTSTQ được tạo điều kiện tham gia nhiều chương trình đào tạo, và có nội dung từ cơ bản đến nâng cao. Ngoài ra, còn có nhiều hội thảo chuyên ngành đào tạo ngoại ngữ được tổ chức để nâng cao trình độ
Đối với việc luân chuyển cán bộ, nếu yêu cầu luân chuyển là bắt buộc, theo chính sách quản lý nhân lực của ngành, thì việc luân chuyển giữa các đơn vị nghiệp vụ là yếu tố đầu tiên được cân nhắc. Riêng đối với cấp lãnh đạo từ cấp phòng trở lên, người thay thế phải được lựa chọn, quy hoạch và đào tạo để đảm bảo thay thế tốt người tiền nhiệm.
Theo Luật Hải quan Thái Lan nhân viên hải quan có quyền tiến hành KTSTQ tại trụ sở doanh nghiệp hoặc bên liên quan và có quyền tra cứu các tài liệu do ngân hàng của doanh nghiệp quản lý. Thông thường nhóm kiểm tra gồm ít nhất 3 người và một trưởng nhóm. Thời gian thông báo KTSTQ sẽ được gửi đến doanh nghiệp ít nhất là 10 ngày trước khi bắt đầu kiểm tra. Trường hợp đặc biệt, thời hạn này có thể không được tính đến và cơ quan Hải quan có thể bắt đầu ngay công việc của mình, nhất là đối với trường hợp kiểm tra người mua hàng của nhà nhập khẩu theo nguyên tắc của Hiệp định trị giá GATT. Hải quan có thể kiểm tra tờ khai trong 10 năm trở lại đây bởi theo quy định hiện hành những khoản chênh lệch thuế trong 10 năm gần nhất sẽ đều được thu lại. Thời hạn lưu giữ hồ sơ liên quan của doanh nghiệp là 5 năm. Sự khác biệt giữa thời gian kiểm tra và thời gian lưu giữ hồ sơ có thể gây khó khăn cho việc KTSTQ. Do đó, Hải quan Thái Lan đang đề nghị được điều chỉnh thời hạn này, theo hướng thời hạn lưu giữ hồ sơ và thời hạn phải truy thu thuế (sau khi có kết luận của KTSTQ) đều là 5 năm.
Một đợt kiểm tra phải được hoàn thành trong 10 ngày và sau đó đoàn công tác phải có báo cáo gửi cho lãnh đạo và doanh nghiệp. Nếu có nghi ngờ về vi phạm, các tài liệu liên quan sẽ được giữ lại bởi đó sẽ là chứng cứ vi phạm và được lưu giữ tại cơ quan Hải quan. Trong vòng ba ngày sau khi cuộc kiểm tra kết thúc, báo cáo kiểm tra sẽ phải hoàn thành để cập nhật cho cơ sở dữ liệu đánh giá rủi ro.
Khi tiến hành KTSTQ, việc tìm ra nguyên nhân của sự chênh lệch giữa hồ sơ và số thuế thực tế được nộp là rất cần thiết. Hải quan Thái Lan có nhiều biện pháp xử lý những doanh nghiệp không nộp thuế theo kết luận của đoàn KTSTQ như cưỡng chế làm thủ tục, đưa vụ việc ra “Toà án trung ương về thuế”.
Kể từ tháng 4-2004, Hải quan Thái Lan đang áp dụng chương trình “KTSTQ thông qua kiểm toán tự nguyện (PCA-VA)” dưới hình thức một dự án điểm. Nguyên tắc của PCA-VA là Cục KTSTQ gửi thư cảnh báo cho một doanh nghiệp có hồ sơ tốt nhưng có thể đang bị nghi ngờ về gian lận giá tính thuế để tự kiểm tra và tự nguyện nộp đủ số thuế chênh lệch. Nếu không có trả lời trong vòng 30 ngày, các nhân viên hải quan sẽ kiểm toán doanh nghiệp. Đây được coi là một cách tích cực để khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện điều chỉnh khai báo hải quan và chấp hành tốt quy định pháp luật.
Cũng nhằm khuyến khích đối tượng KTSTQ, cơ quan Hải quan cho phép họ có quyền điều chỉnh sai sót trước khi bắt đầu KTSTQ và được hưởng ưu đãi về hoàn thuế trong thời gian ngắn nhất. Theo quy định của Luật Hải quan, đối tượng KTSTQ không chấp hành các quy định về chuẩn bị chứng từ hoặc khai báo sai sẽ phải chịu các hình phạt tương ứng.
Toàn bộ thông tin liên quan đến hoạt động KTSTQ, doanh nghiệp được lưu giữ trong máy chủ của cơ quan Hải quan trong một cơ sở dữ liệu tra cứu của Ngành. Thông tin được thu thập từ các nguồn bên ngoài như từ cơ quan Thuế, doanh nghiệp (từ báo cáo hoạt động, niên giám hoạt động…) đều được sử dụng cho quản lý hải quan. Giữa các đơn vị trong Hải quan Thái Lan cũng thường có các buổi làm việc định kỳ để chia sẻ kinh nghiệm. Ngoài ra, thường xuyên có những hội thảo chia sẻ kinh nghiệm giữa các đơn vị Hải quan nhằm tăng cường quan hệ phối hợp trong công tác nghiệp vụ.
Cục KTSTQ Hải quan Thái Lan gồm có 4 phòng: Phòng hành chính tiếp nhận công văn, quản lý hành chính, hợp đồng và hỗ trợ điều phối hoạt động với các đơn vị khác; Phòng phân tích dữ liệu và kiểm tra tờ khai tiếp nhận và phân loại tờ khai nhập khẩu/ xuất khẩu và các chứng từ liên quan do các phòng chuyển đến. Phòng nghiệp vụ kiểm toán 1 và 2 có chức năng phân loại công ty, thực hiện KTSTQ cũng như đối chiếu kiểm tra chứng từ liên quan, lập kế hoạch và đánh giá tình hình trước khi KTSTQ.
BTC
|