Thủ tướng chỉ đạo điều chỉnh quy hoạch vùng Thủ đô
Còn khá nhiều bất cập trong đồ án quy hoạch vùng Thủ đô cần được điều chỉnh phù hợp với thực tế và dự báo tương lai...
Vùng Thủ đô được xác định với địa giới mới gồm Hà Nội và 9 tỉnh là Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang.
|
“Trong quy hoạch về đô thị, khu công nghiệp cần phải tính toán, cân nhắc kỹ theo nhu cầu của từng tỉnh và cho cả vùng, không phát triển các khu công nghiệp theo kiểu tràn lan, bám mặt đường quốc lộ, tỉnh lộ. Cùng với đó, trong quy hoạch phát triển y tế, giáo dục cũng phải rõ ràng, không làm tràn lan”.
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp ngày 3/3 với lãnh đạo một số bộ, ngành và các địa phương liên quan nghe báo cáo đồ án “Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”.
Đồ án Quy hoạch chung xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến 2030 và tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 7/2011. Hiện các địa phương trong vùng Thủ đô đã bước đầu triển khai thực hiện đồ án, trong đó nhiều dự án quy mô lớn.
Tuy nhiên, trong thực tế triển khai còn những tồn tại cần điều chỉnh như việc liên kết chia sẻ các chức năng vùng còn chưa rõ ràng; các khu công nghiệp tập trung nhiều ở các cửa ngõ vào Thủ đô Hà Nội; các dự án khu đại học tập trung, các khu đô thị quy mô lớn… cần được xem xét, đảm bảo phù hợp hơn với thực tiễn phát triển; công tác phối hợp giữa các tỉnh, thành phố với các bộ, ngành còn nhiều lúng túng, chưa tạo được sự gắn kết giữa các tỉnh, thành phố trong nội vùng;…
Đồng thời, các định hướng, chiến lược phát triển mới trong vùng Thủ đô theo các nghị quyết của Trung ương, các định hướng phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố trong vùng cần thiết phải được cập nhật trong đồ án điều chỉnh quy hoạch nhằm đảm bảo tính thời sự phục vụ phát triển vùng.
Do đó việc lập đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 là cần thiết.
Theo quyết định của Thủ tướng hồi 2012, vùng Thủ đô được xác định với địa giới mới gồm Hà Nội và 9 tỉnh là Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang, tổng diện tích toàn vùng khoảng trên 24.314 km2, dân số hiện trạng năm 2012 khoảng 17,6 triệu dân.
Báo cáo của Bộ Xây dựng tại cuộc họp cho biết, đến nay đồ án Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 đã được lập, thẩm định và trình duyệt theo đúng quy trình, được nghiên cứu công phu, được tham vấn của tất cả các cơ quan có liên quan và kính trình Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét và phê duyệt đồ án.
Thủ đô Hà Nội đến năm 2050 sẽ là vùng đô thị lớn, có chức năng kinh tế tổng hợp của quốc gia và khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây là khu vực phát triển năng động, có chất lượng đô thị cao, môi trường đầu tư thuận lợi, bền vững; bảo đảm an ninh quốc phòng; Thủ đô Hà Nội là đô thị đặc biệt, là trung tâm đầu não chính trị-hành chính, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dục quốc tế của cả nước.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vùng Thủ đô đã có quy hoạch từ năm 2008, tiếp đó có quy hoạch về mở rộng vùng Thủ đô năm 2011. Tuy nhiên từ yêu cầu thực tiễn cần phát triển và qua thực tế có những vấn đề nảy sinh cần cập nhật và bổ sung cho kịp thời và yêu cầu đặt ra là phải điều chỉnh quy hoạch vùng Thủ đô để phát triển nhanh và bền vững trên các lĩnh vực, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Do đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo quy hoạch và Đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội, các cơ quan liên qua tiếp thu, hoàn thiện đồ án để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và phê duyệt.
Đồng thời lưu lý, khi Đồ án đã được phê duyệt, các địa phương trong vùng cần hết sức quan tâm cập nhật, bổ sung, rà soát quy hoạch của địa phương mình gắn với những nội dung quy hoạch trong Đồ án cũng như những quy hoạch chi tiết vùng Thủ đô.
Các địa phương trong vùng tiếp tục quan tâm phát huy nội lực, tiềm năng lợi thế của mình để phát triển, nhất là tiềm năng về đất đai, du lịch. Năng động, sáng tạo trong thu hút các nguồn lực đầu tư, nhất là nguồn lực đầu tư ngoài xã hội, nguồn lực đầu tư nước ngoài nhằm thúc đẩy phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội.
Bảo Anh
vneconomy
|