Thứ Ba, 04/08/2020 11:58

Sản xuất toàn cầu cải thiện, nhưng vắng bóng nhu cầu nước ngoài

Số đơn đặt hàng xuất khẩu vẫn còn thấp ở hầu hết các quốc gia và hoạt động sản xuất bị thu hẹp ở Nhật Bản và Hàn Quốc

Các nhà máy tại Mỹ, châu Âu và các khu vực châu Á đã gia tăng sản xuất trong tháng 7/2020, nhưng đà tăng đang bị níu lại bởi hoạt động thương mại toàn cầu yếu ớt. Điều này cho thấy chặng đường phục hồi còn rất gian nan và dài dăng dẳng cho nền kinh tế toàn cầu.

Số đơn hàng xuất khẩu vẫn còn thấp ở hầu hết các quốc gia được IHS Markit khảo sát trong tháng 7/2020 và hoạt động sản xuất bị thu hẹp ở hai cường quốc xuất khẩu – Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong bối cảnh triển vọng quốc tế vẫn còn bất định, các nhà sản xuất ở hầu hết quốc gia tiến hành cắt giảm chi phí bằng cách giảm việc làm trong tháng 7.

Tại Mỹ, hai cuộc khảo sát PMI cho thấy sự cải thiện trong hoạt động sản xuất. Chỉ số PMI sản xuất của HIS Markit – vốn đo lường hoạt động tại các nhà máy – tăng lên 50.9 trong tháng trước, so với mức 49.8 của tháng 6. Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) cho biết chỉ số PMI sản xuất tháng 7 tăng lên 54.2, từ mức 52.6 của tháng trước.

Mức dưới 50 cho thấy sự thu hẹp, trong khi trên 50 ngụ ý sự mở rộng.

“Điều tồi tệ nhất giờ đây đã ở sau chúng ta, nhưng đà phục hồi vẫn còn mong manh và có khả năng hứng chịu những bước lùi tiềm ẩn”, Jim Baird, Giám đốc đầu tư tại Plante Moran Financial Advisors, nhận định.

Dữ liệu cho thấy việc nới lỏng biện pháp phong tỏa có thể chưa đủ để giúp nền kinh tế toàn cầu trở lại quỹ đạo. Các chính quyền – nhất là những quốc gia theo định hướng xuất khẩu – có thể cần phải tìm cách để kích thích nhu cầu nội địa để bù đắp sự suy yếu của nhu cầu nước ngoài.

Tại Trung Quốc và Australia, chi tiêu của chính phủ cho các dự án cơ sở hạ tầng đang góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất các hàng hóa như kim loại chế tạo và máy móc, Bernard Aw, Chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách khảo sát PMI ở châu Á-Thái Bình Dương tại IHS Markit, nhận định.

Trong khi đó, sự gia tăng trở lại của số ca nhiễm Covid-19 ở một vài khu vực của nước Mỹ đang đe dọa đến kế hoạch tái mở cửa kinh tế mới chớm và khiến một số bang phải tái áp đặt biện pháp giới hạn.

IHS Markit cho biết sự cải thiện trong hoạt động của nước Mỹ có thể chủ yếu đến từ việc nhà máy nối lại hoạt động thay vì nhu cầu cao hơn. Timothy Fiore, Chủ tịch của Viện Quản lý Nguồn cung (ISM), cho biết sản lượng sản xuất cao hơn trong tháng 7 là một tín hiệu tích cực, nhưng nỗi lo vẫn còn đó.

“Tương lai vẫn bất định, không biết chắc các nhà máy có khả năng duy trì hoạt động đủ lâu để tăng cường sản lượng sản xuất hay không”, ông Fiore chia sẻ.

Dòng chảy thương mại toàn cầu trượt dốc trong nửa đầu năm 2020 khi đại dịch Covid-19 khiến các nhà quyết sách và công ty đa quốc gia phải xem xét lại về các chuỗi cung ứng toàn cầu – vốn đã trở thành một đặc điểm định hình nên nền kinh tế thế giới. Các chuyên gia kinh tế của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ước tính dòng chảy thương mại sẽ giảm ít nhất 13% trong cả năm 2020 và có khả năng còn lớn hơn thế.

Các lệnh giới hạn đối với du lịch quốc tế - nhiều quốc gia vẫn còn duy trì lệnh này – gây khó dễ cho các nhà xuất khẩu trong việc tìm kiếm khách hàng nước ngoài mới, giao tiếp với những khách hàng hiện tại hoặc quảng bá về sản phẩm tại các hội chợ thương mại quốc tế.

Nhiều chuyên gia thương mại kỳ vọng tình trạng khẩn cấp về y tế trên toàn cầu sẽ thôi thúc các công ty đơn giản hóa và rút ngắn chuỗi cung ứng – từ đó có thể gây áp lực lên thương mại. Đại dịch làm dấy lên nỗi lo tại nhiều quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu như Trung Quốc, nhất là những món hàng quan trọng như nguồn cung y tế.

Tại Trung Quốc – nơi đại dịch đã được kiểm soát phần lớn, các nhà sản xuất ghi nhận đà tăng trưởng nhanh nhất về sản lượng cũng như số đơn đặt hàng nội địa mới trong gần 1 thập kỷ qya. Thế nhưng, số đơn xuất khẩu mới tiếp tục giảm và số lượng nhân viên giảm nhẹ, IHS Markit ch obietes. Chỉ số PMI của Trung Quốc tăng lên 52.8 trong tháng 7, từ mức 51.2 của tháng trước đó.

“Chúng tôi vẫn cần phải tập trung vào đà suy yếu về số lượng việc làm và nhu cầu nước ngoài”, Wang Zhe, Chuyên gia kinh tế cấp cao tại Caixin Insight Group, cho biết.

Sự chững lại đột ngột của hoạt động thương mại phơi bày sự phụ thuộc lẫn nhau của các quốc gia về vấn đề nhập nguồn hàng và sản xuất, từ xe hơi, máy thở cho đến điện thoại thông minh. Các quốc gia đã trở thành một điểm trong chuỗi cung ứng khổng lồ và những lỗ hổng của chiến lược này đã lộ rõ khi đại dịch xé toang chuỗi cung ứng ra từng mảnh.

Kết quả là Covid-19 – cùng với căng thẳng Mỹ-Trung – đang buộc các công ty đa quốc gia và nhà quyết sách phải xem xét cách thức để mang hoạt động sản xuất về gần với quê nhà, bảo vệ hoạt động sản xuất hàng hóa thiết yếu và giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Tại Anh, các nhà sản xuất muốn xây dựng cơ sở nhà cung ứng nội địa lớn hơn trong tháng 7/2020, giữa lúc nhu cầu mạnh mẽ từ thị trường trong nước và nhu cầu yếu ớt từ nước ngoài, Duncan Brock, Giám đốc tại Chartered Institute of Procurement & Supply (CIPS), cho biết.

Ở khu vực Eurozone, lĩnh vực sản xuất tháng 7 ghi nhận lần tăng trưởng đầu tiên trong 18 tháng vừa qua, trong đó chỉ số PMI chung tăng lên 51.8, từ mức 47.4 của tháng trước, theo IHS Markit. Hàng tiêu dùng là lĩnh vực có thành quả cao nhất, qua đó phản ánh kết quả của việc nới lỏng của biện pháp giới hạn.

Thế nhưng, dữ liệu cho thấy hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực có định hướng xuất khẩu vẫn chưa hoạt động hết công suất và đang cắt giảm việc làm để tiết kiệm chi phí. Tỷ lệ công ty sản xuất chủ động quản lý chi phí thông qua sa thải và cho nghỉ tạm thời gần bằng với số công ty tuyển dụng và mở rộng lực lượng lao động, theo ông Fiore.

Ở Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu và là một trong những nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, các nhà sản xuất tiếp tục thực hiện cắt giảm nhân sư khi sản lượng thấp hơn đáng kể với mức trước đại dịch.

“Vài tháng tới, con số PMI sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá liệu đà tăng gần đây của nhu cầu có bền vững hay không”, Chris Williamson, Chuyên gia kinh tế trưởng tại IHS Markit, nhận định.

Ở Mỹ, số đơn hàng xuất khẩu mới giảm trong tháng 7/2020 khi nhu cầu nước ngoài chưa thể lấy lại đà tăng, HIS Markit cho biết. Nhìn chung, sản lượng sản xuất tăng lần đầu tiên kể từ tháng 2/2020, mặc dù chỉ ở mức khiêm tốn.

“Phần lớn sự cải thiện gần đây về sản lượng dường như chỉ đến từ việc các nhà máy nối lại hoạt động chứ không phải sự gia tăng về nhu cầu”, ông Williamson nói.

Tại phần lớn khu vực châu Á, các điều kiện sản xuất tiếp tục phục hồi từ quý 2/2020, nhưng vẫn dưới mức 50 – ngưỡng ngăn cách giữa thu hẹp và tăng trưởng.

Hàn Quốc – vốn được xem là “kẻ” dẫn dắt xu hướng về thương mại toàn cầu, ghi nhận chỉ số PMI ở mức 46.9 trong tháng 7/2020, tăng từ mức 43.4 của tháng trước đó. Vào ngày 01/08, dữ liệu thương mại Hàn Quốc cho thấy kim ngạch xuất khẩu tháng 7 giảm 7% so với cùng kỳ, nhưng vẫn khá hơn mức giảm 10.9% của tháng 6.

Chỉ số sản xuất của Nhật Bản cũng tăng lên 45.2 trong tháng 7, từ mức 40.1 của tháng trước. Hoạt động sản xuất hàng hóa vốn là phân khúc có thành quả tệ nhất về doanh số bán hàng xuất khẩu. Điều này cho thấy sự suy giảm của chi tiêu đầu tư toàn cầu và dòng chảy thương mại đang kìm hãm đà hồi phục đến nhường nào. Trong 10 ngày đầu của tháng 7, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản giảm 18.8% so với cùng kỳ.

“Số ca nhiễm ngày càng tăng ở một số địa điểm xuất khẩu chủ chốt báo điềm chẳng lành về sự hồi phục của các nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại tại châu Á”, Kwon Goo-Hoon, Chuyên gia kinh tế châu Á cấp cao tại Goldman Sachs, cho biết trong báo cáo gửi tới khách hàng.

* PMI tháng 7 đạt 47.6 điểm, các điều kiện kinh doanh suy giảm

* Trung Quốc: PMI sản xuất tháng 7 vượt dự báo và mở rộng 5 tháng liên tiếp

Vũ Hạo (Theo WSJ)

FILI

Các tin tức khác

>   Gần 10,000 chiếc máy bay trên thế giới vẫn nằm ‘đắp chiếu’ (04/08/2020)

>   EVFTA giúp phục hồi kinh tế và tạo việc làm cho châu Âu (04/08/2020)

>   80.000 doanh nghiệp nhỏ ở New York đối mặt nguy cơ đóng cửa vĩnh viễn (04/08/2020)

>   Công nghiệp hàng không về đâu sau đại dịch (04/08/2020)

>   Dịch COVID-19 sáng 4-8: WHO nói đang tiếp tục nghiên cứu nguồn gốc đại dịch (04/08/2020)

>   Trung Quốc dùng 'bí kíp' cũ kỹ để thúc đẩy tăng trưởng (03/08/2020)

>   Covid-19 'đánh gục' Lord & Taylor, chuỗi cửa hàng xa xỉ lâu đời nhất nước Mỹ (03/08/2020)

>   Các nước giàu có nhanh chóng chốt thỏa thuận về nguồn cung vắc-xin ngừa Covid-19 (02/08/2020)

>   Sau điện thoại, Samsung Electronics cũng ngừng hoạt động sản xuất máy tính tại Trung Quốc (02/08/2020)

>   GDP quý II của Eurozone giảm kỷ lục 12,1% (01/08/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật