Fed: Kinh tế Mỹ rất cần thêm gói kích thích tài khóa
Việc Mỹ tung ra thêm gói kích thích tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế “cực kỳ quan trọng” trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn chưa dứt, Chủ tịch Fed khu vực Chicago Charles Evans nhận định.
Chủ tịch Fed khu vực Chicago Charles Evans
|
“Chính sách tài khóa đóng vai trò quan trọng không tưởng trong việc hỗ trợ nền kinh tế vào lúc suy thoái hiện tại”, ông Evans cho biết trong cuộc phỏng vấn ngày Chủ nhật (09/08).
“Điều này tỏ ra ngày càng quan trọng hơn vì chúng ta chưa kiểm soát được sự lây lan của Covid-19. Tôi nghĩ niềm tin của công chúng thực sự quan trọng và thêm 1 gói hỗ trợ là cực kỳ quan trọng”, ông nói.
Ngày 08/08, Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện 4 sắc lệnh hành pháp để gia hạn gói cứu trợ khi cuộc đàm phán với Đảng Dân chủ rơi vào thế bế tắc. Phía Đảng Dân chủ cho biết gói cứu trợ mà Tổng thống Trump phê duyệt thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu thực tế giữa lúc nền kinh tế chững lại và hàng triệu người dân Mỹ rơi vào cảnh thất nghiệp.
Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa tỏ ra bất đồng về khoản chi tiêu tổng thể và nhiều vấn đề quan trọng, bao gồm hỗ trợ cho bang và chính quyền địa phương, cũng như trợ cấp thất nghiệp – vốn đã hết hạn vào cuối tháng trước.
Các quan chức Fed đã cắt giảm lãi suất xuống gần 0 và báo hiệu sẽ giữ lãi suất ở mức này cho đến ít nhất là năm 2022 với mục tiêu mang nền kinh tế trở về quỹ đạo trước đó. Nhiều chỉ báo cho thấy đà phục hồi của Mỹ đã chững lại, dù rằng báo cáo việc làm tháng 7/2020 tốt hơn dự báo.
“Khi xem xét triển vọng kinh tế, bạn sẽ thấy một số kịch bản tiêu cực và những kịch bản bi quan nhất – trong đó không có sự hỗ trợ dành cho các bang và chính quyền địa phương”, ông cho biết. “Các bang phải cân bằng ngân sách. Họ đang chứng kiến doanh thu thuế giảm mạnh và do đó, việc làm phải bị cắt giảm”.
Dữ liệu Chính phủ công bố vào ngày 07/08 cho thấy nền kinh tế Mỹ tạo thêm 1.76 triệu việc làm trong tháng 7/2020, hơn 300,000 việc làm so với dự báo của các chuyên gia kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp giảm 1 điểm phần trăm xuống 10.2%, cao hơn mức đỉnh sau cuộc khủng hoảng năm 2008-2009. Dù vậy, con số này đã giảm đáng kể từ mức gần 15% tại đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng mang tên “Covid-19”.
Thế nhưng, báo cáo cũng cho thấy hàng triệu người đánh mất việc làm trong những ngày đầu dịch bệnh nay vẫn còn thất nghiệp, trong đó tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao gần gấp 3 so với mức trước khủng hoảng.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|