Thứ Năm, 02/05/2024 11:02

Thị trường tín chỉ carbon TP.HCM và những câu hỏi

Nắng nóng bao vây con người mọi lúc mọi nơi. Chưa bao giờ mà người dân khắp cả nước trải qua một kỳ nghỉ lễ 30/04-01/05… cháy bỏng như năm nay. Điều này đã thật sự tác động đến nhận thức, hành vi, thái độ sống, sinh hoạt, cư trú của nhiều người bởi nắng nóng không chỉ phân bổ theo mùa, vùng mà gần như nó kéo dài, phủ khắp và gay gắt tới đỉnh điểm. Đâu là điểm dừng của biến đổi khí hậu, thời tiết và đâu là ngưỡng giới hạn của sức người?

Câu trả lời đã có “ngay và luôn”, lại gần như là đáp án duy nhất, đó là từ góc nhìn triết lý, con người phải tìm mọi cách chuộc lỗi với thiên nhiên, trả lại sự cân bằng tự nhiên. Từ góc nhìn môi trường và các giải pháp hành động thì giảm phát thải khí nhà kính, xanh hóa môi trường - xã hội…; mà tạo tín chỉ carbon, thị trường carbon chính là công cụ quan trọng để hiện thực hóa chiến lược giảm phát thải.

Là thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu nên TP.HCM cũng là địa phương đầu tiên của cả nước sở hữu công cụ pháp lý nhằm thực hiện thí điểm thị trường tín chỉ carbon với Nghị quyết số 98/2023/QH15.

Vấn đề là để cụ thể hóa các quy định trong nghị quyết như thế nào, từ thí điểm đến áp dụng chính thức trên diện rộng ra sao, vừa qua, tại tọa đàm Phát triển thị trường tín chỉ carbon tại TP.HCM do Viện Nghiên cứu phát triển TP tổ chức, nhiều ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp đã đặt ra nhiều câu hỏi thiết thực, có tính thực thi cao.

Trả lời một cách rành mạch, đầy đủ; triển khai cụ thể, đúng đắn; kiểm soát bằng công cụ đo lường chuẩn xác, minh bạch thì hiệu quả của việc thí điểm thị trường tín chỉ carbon của TP.HCM sẽ rất khả thi, đạt lợi ích lâu dài.

Trước hết cần xây dựng và công bố tiêu chuẩn phát thải khí nhà kính của TP.HCM và chuẩn hóa quy trình kiểm kê phát thải. Phải xác định giới hạn phát thải ở cấp độ nào, việc phân bổ mức phát thải cho thành phố được xác định theo tổng hay theo chủ nguồn thải là những yêu cầu rất căn bản. Sử dụng phương pháp đo lường phát thải, là đo lường trực tiếp hay đo lường thông qua mô hình? Phải xây dựng hệ số phát thải cho từng ngành như giao thông, năng lượng… trên cơ sở ưu tiên tập trung cho chính sách phát triển thị trường tín chỉ carbon trên 3 lĩnh vực chính là công nghiệp, giao thông và thương mại.

Một điểm quan trọng bậc nhất là xem xét nguồn cung tín chỉ carbon từ đâu, trực tiếp là gì và gián tiếp từ đâu. Minh định nguồn phát thải và bể dự trữ carbon hay đâu là phát thải và đâu là bù trừ. Ví dụ như Dự án mái nhà xanh có được xem là bù trừ carbon không hay chỉ là trung hòa carbon.

Ưu tiên thị trường tự nguyện, nhất là khối doanh nghiệp song thật sự chính quyền hỗ trợ cho họ những gì khi tham gia thị trường tín chỉ carbon. Rõ ràng là cần cả 2 khía cạnh: kiến tạo cơ chế hỗ trợ, trong đó có giảm chi phí cho doanh nghiệp bằng việc áp dụng thí điểm lên các tài sản công tạo ra nguồn năng lượng thay thế (như 2 dự án mà Ngân hàng thế giới đang phối hợp cùng UBND TP.HCM triển khai là dự án chuyển đổi đèn đương LED và dự án lắp đặt điện mái nhà cho các tòa nhà công sở). Phía nhà nước cũng cần công bố quota tín chỉ carbon để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Việc xác định nguồn cung - cầu gắn với vai trò bên bán, bên mua và trung gian. Với bên bán tín chỉ, cần nêu rõ địa điểm bán, giá cả, chi phí, công nghệ và chuyên gia. Với bên mua thì xác định địa điểm mua, mua loại gì, giá cả, phương thức thanh toán, xử lý. Riêng vai trò trung gian sẽ được thể hiện ở chỗ ban hành chính sách hỗ trợ tài chính, kỹ thuật liên quan đến phát hành tín chỉ carbon, kết nối và phát triển thị trường giao dịch tín chỉ; tăng cường hợp tác quốc tế để khai thác kinh nghiệm, kỹ thuật, tài chính…

Một gợi ý rất đáng quan tâm là chính quyền thành phố chỉ xây dựng cơ chế giám sát, quản lý thị trường tín chỉ carbon, còn lại nên đưa các hoạt động còn lại của khối trung gian vào dịch vụ công.

Cuối cùng, cần thấu hiểu một cách rõ ràng và… trung thực rằng, vấn đề không hẳn chỉ là tạo ra tín chỉ carbon để có lợi nhuận triệu đô mà là thiết lập sự cân bằng lượng carbon trong lòng đất để duy trì sự sống một cách trung hòa hơn. Hay không chỉ giảm lượng xe máy xăng (với TP.HCM hiện có hơn 9 triệu chiếc) để thay thế bằng xe máy điện mà còn là vấn đề quy hoạch không gian đô thị gắn với các loại hình phương tiện giao thông thay thế. Hoặc như rừng Cần Giờ, là khu dự trữ carbon dưới mặt đất khổng lồ nhưng đó không phải là nơi, là thứ chỉ để tính toán mua bán, lời lỗ mà là “của để giành” cho thành phố - quốc gia hôm nay lẫn mai sau.

Quốc Học

FILI

Các tin tức khác

>   Khởi tố, bắt tạm giam ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang (02/05/2024)

>   Alibaba có thể đầu tư 1 tỷ USD xây trung tâm dữ liệu tại Việt Nam? (01/05/2024)

>   Khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 6 triệu lượt trong 4 tháng đầu năm 2024 (30/04/2024)

>   Số lượng nhà cung ứng cho Apple tại Việt Nam cao thứ 4 toàn cầu (30/04/2024)

>   Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước đạt trên 522 ngàn tỷ đồng (30/04/2024)

>   Sản xuất công nghiệp tháng 4 tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực (30/04/2024)

>   TP.HCM xin tự quyết định vị trí việc làm đặc thù (30/04/2024)

>   Bộ Công Thương nêu loạt lý do không cho mua bán điện mặt trời mái nhà (30/04/2024)

>   Bất ngờ lượng khách qua sân bay Tân Sơn Nhất ngày 29-4 (29/04/2024)

>   Thu nhập bình quân một người/tháng của Bình Dương vượt TP.HCM (29/04/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật