Thứ Năm, 16/05/2024 14:02

“Liều thuốc” nào cho dã tật người nổi tiếng?

Ngày 14/05, báo chí đăng tải Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh (TP.HCM) đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Phan Ngọc Quý (24 tuổi) và Trịnh Đình Thanh Tú (26 tuổi, cùng ngụ TP Thủ Đức) để điều tra tội gây rối trật tự công cộng. Hai bị can bị áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú.

Vậy là sau 6 tháng vụ việc đánh ghen… giùm bạn, cô hoa khôi sinh viên trường đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM đã bị khởi tố. Đây cũng được xem là ví dụ mới nhất cho hành vi xem thường pháp luật của “người nổi tiếng”. Dù chỉ là đăng quang một cuộc thi sắc đẹp trong phạm vi nhà trường song, với tư cách một sinh viên và là một hoa khôi, ít nhiều cái danh vị ấy cũng cần được giữ gìn, vậy nhưng Quý đã tỏ ra hung hăng, bạo lực, vừa lao vào đánh người vừa tự xưng là luật sư. Hành vi tấn công người khác đã là vi phạm pháp luật, hành xử của một người có chút “tên tuổi” lại càng rất đáng bị lên án, nó cần một sự nghiêm trị để là bài học răn đe cho những ai hiếu thắng, bất chấp đúng sai, coi thường pháp luật.

Trước đó 1 ngày, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông chiều 13/05, ông Lê Quang Tự Do - cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, từ tháng 7 sẽ có thêm hình thức chế tài người nổi tiếng lệch chuẩn trên mạng. Theo đó, “việc xử phạt hành chính với những người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng với công chúng, dư luận, có phát ngôn, hành vi lệch chuẩn trên không gian mạng như hiện nay không đủ sức răn đe" nên Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chế tài xử lý khác, trong đó có hướng hạn chế xuất hiện hình ảnh của những người này.

Bài học về sự chủ quan, thiếu hiểu biết pháp luật, đăng tải nhiều hình ảnh gây tác động xấu trên không gian mạng của người mẫu Ngọc Trinh là lời cảnh báo cần thiết cho nhiều bạn trẻ. Hay mới đây, cô hoa hậu đồng bằng Nam Em với những phiên livestream đầy “ảo giác”, thông tin theo kiểu “một nửa sự thật” về giới showbiz đã thật sự gây hoang mang dư luận. Chưa kể, một vài câu phát ngôn ngô nghê, có biểu hiện xúc phạm lãnh tụ cộng với những hành vi khó hiểu, khi lan truyền trên mạng xã hội dễ dẫn tới những tác động tiêu cực cho cộng đồng. Án phạt hành chính liệu đã “đủ liều” để chữa lành hành vi khá kỳ quặc của cô hoa hậu này hay chưa nhưng ít nhất là sự cảnh tỉnh kịp thời cho chính cô và những “người nổi tiếng” muốn gây tai tiếng.

Tất nhiên, vì là người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng nên mọi lời nói, hành vi, hình ảnh của họ cũng dễ là “mồi ngon” cho những người chuyên “hành nghề” câu view, câu like… Điều này khiến không ít ngôi sao, người nổi tiếng trở thành là nạn nhân dở khóc dở cười của các chiêu trò cắt ghép, ngụy tạo, vu khống trên thế giới ảo. Mà vụ ngụy tạo clip nhạy cảm về ca sĩ trẻ Phương Mỹ Chi là 1 ví dụ.

Do đó, trong một thế giới ảo nhiều rủi ro như hiện nay, việc giữ gìn hình ảnh, lời nói, hành xử để tránh việc bị lợi dụng, cắt ghép đã là điều khó. Còn thiếu cẩn trọng, thậm chí coi thường dư luận, thách thức pháp luật thì chẳng cần đợi đến việc bị lạm dụng, ngụy tạo mà chính nó là bằng chứng sống cho việc tự làm bẩn, làm xấu hình ảnh, danh tiếng của mình. Từ đó đến cảnh cửa pháp đình, có khi rất ngắn!

Đã đến lúc, pháp luật cần minh định một cách rạch ròi hơn, nghiêm khắc hơn với lời nói, hành vi, hình ảnh lệch chuẩn của người nổi tiếng, nhất là liên quan đến mảng quảng cáo sản phẩm. Dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi đang trong quá trình thảo luận, góp ý cần xây dựng các quy định nhằm ràng buộc trách nhiệm của người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội khi thực hiện việc quảng cáo sản phẩm, dịch vụ.

Bởi theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng thì người nổi tiếng là người có ảnh hưởng hoặc những người sở hữu tài khoản mạng xã hội có số người theo dõi, đăng ký từ 500 nghìn người trở lên. Hoạt động quảng cáo của người nổi tiếng, người có có tầm ảnh hưởng phải tuân thủ quy định pháp luật về quảng cáo và quy định về tính năng, chất lượng hàng hóa dịch vụ. Do đó, khi quảng cáo một sản phẩm có ảnh hưởng nhất định đến nhận thức, hành vi tiêu dùng của xã hội thì cần phải có những quy định ràng buộc trách nhiệm của người thực hiện quảng cáo. Trách nhiệm ấy một khi thiếu hay bất chấp, gây tác hại lên người tiêu dùng thì cần truy cứu trách nhiệm theo các điều khoản pháp lý chứ không chỉ là lời xin lỗi như hiện nay.

Quốc Học

FILI

Các tin tức khác

>   'Nhức nhối' người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm gian dối (16/05/2024)

>   Hàng không mở bán nhiều vé máy 0 đồng đáp ứng nhu cầu du lịch hè (15/05/2024)

>   Vé máy bay rẻ bất ngờ, đâu dễ "săn" (15/05/2024)

>   Xuất hiện vé máy bay 0 đồng (13/05/2024)

>   Công nhân tăng ca để có thêm thu nhập, giảm giờ làm lương sao đủ sống? (12/05/2024)

>   Kết quả kiểm tra giá vé máy bay của 4 hãng hàng không (11/05/2024)

>   Lý do đề xuất giảm giờ làm việc xuống dưới 48 giờ/tuần (11/05/2024)

>   Tăng tốc thu phí sử dụng vỉa hè (10/05/2024)

>   Giành nhau miếng bánh thương mại điện tử (08/05/2024)

>   Cục Hàng không đề nghị hành khách cung cấp thông tin mua phải vé máy bay giá cao (07/05/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật