Thứ Hai, 22/04/2024 13:44

Chủ tịch Lê Viết Hải: Việc chinh phục thị trường xây dựng nước ngoài của Hòa Bình như câu chuyện cây tre

Ông Lê Viết Hải ví Hòa Bình giờ đây như cây tre được trồng xuống đất. Trong 4 năm đầu tiên dành toàn bộ sức lực cho việc cắm rễ hàng trăm mét, chỉ mọc lên trên mặt đất vài centimet. Khi gốc rễ đã đủ chắc thì từ năm thứ 5 nó mới bứt phá với tốc độ kinh ngạc 30 centimet mỗi ngày và chỉ mất 6 tuần để đạt tới 15 mét.


Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải.

Đó là thông điệp mà Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC) nêu trong báo cáo thường niên 2023 khi nói về định hướng sắp tới trong việc chinh phục thị trường xây dựng nước ngoài, sau khoảng thời gian đầy “giông bão” mà doanh nghiệp xây dựng đang trải qua.

Theo ông Hải, trong năm qua, HBC vẫn đang nỗ lực tiếp cận và phát triển thị trường nước ngoài. Đầu năm 2024, Công ty đã nhận được thư dự định giao thầu 5 dự án xây dựng nhà ở xã hội của Bộ đất đai, Công trình công cộng, Nhà ở và Phát triển Đô thị Kenya với tổng mức đầu tư 72 triệu USD (khoảng 1.8 ngàn tỷ đồng). Sau Kenya sẽ là những công trình ở Mỹ, Úc, Canada và nhiều quốc gia khác.

Chủ tịch HBC dẫn số liệu của The Business Research Company, thị trường xây dựng thế giới năm 2022 có giá trị 14.3 ngàn tỷ USD và dự báo đến năm 2032 tăng lên 26 ngàn tỷ USD. Trong khi năm 2023, thị trường xây dựng Việt Nam chiếm 7.5% GDP, khoảng 32 tỷ USD (theo báo cáo Bộ Xây dựng), chỉ tương đương 1/450 giá trị tổng sản lượng ngành xây dựng thế giới. Đây là một trong những lý do khiến HBC quyết định xuất khẩu công nghiệp xây dựng ra nước ngoài.

Giãi bày trong thư, Chủ tịch HBC nhận định rằng Tập đoàn vừa trải qua năm 2023 đầy sóng gió và thử thách nhất trong suốt 36 năm hình thành và phát triển, thậm chí có những khó khăn đã manh nha từ năm 2017. Sự cạnh tranh trên thị trường trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.

“Nhiều nhà thầu đã bỏ giá thấp hơn vốn lên đến vài chục phần trăm. Không ít nhà thầu lớn đã sử dụng những chiêu thức cạnh tranh không lành mạnh để giành được công trình”, ông Hải nhấn mạnh đồng thời cho biết đã được không ít đối tác cảm thông, chia sẻ rủi ro và tạo điều kiện thuận lợi trong giai đoạn đầy khó khăn.

Nhận trách nhiệm về năm 2023 không đạt kế hoạch

Tính đến 18/04/2024, đã có trên 99 nhà cung cấp, nhà thầu phụ đồng ý ký biên bản thỏa thuận hoán đổi công nợ bằng cổ phiếu HBC, đạt giá trị 660 tỷ đồng.

Năm ngoái, Công ty vẫn tiếp tục bảo đảm trách nhiệm đối với chủ đầu tư các dự án, không dự án nào vi phạm an toàn, chất lượng hay tiến độ. HBC cũng không bị xử lý bảo lãnh thực hiện hợp đồng nào của các ngân hàng cũng như trả nợ đúng hạn cho ngân hàng, không bị chuyển sang nhóm nợ xấu.

“Là người chèo lái con thuyền Hòa Bình, tôi xin thành khẩn nhận trách nhiệm khi năm 2023 vừa qua đã không đưa Công ty phát triển theo đúng mục tiêu, kế hoạch đã đề ra. Tôi xin khẳng định, là người sáng lập, tôi luôn xem Hòa Bình là đứa con ruột thịt, đáng yêu, đáng quý của mình và trong suốt 36 năm qua, đặc biệt là năm 2023 nhiều thử thách, khó khăn nhất, tôi vẫn luôn cố gắng hết sức mình, làm tất cả mọi điều có thể để chèo lái con thuyền Hòa Bình vượt qua sóng gió, đồng thời cam kết luôn bảo vệ quyền lợi cao nhất của cổ đông”, ông Hải chốt lại.

Vốn chủ sở hữu thực tế 5.5 ngàn tỷ đồng?

Kết quả từ BCTC kiểm toán năm 2023 có lẽ là một trong những cú sốc lớn đối với các cổ đông của HBC khi mà vốn chủ sở hữu đến cuối năm ngoái chỉ còn hơn 93 tỷ đồng dù đầu năm tới gần 1.2 ngàn tỷ đồng.

Nguyên nhân sự sụt giảm vốn chủ sở hữu đến từ việc áp dụng chuẩn mực kế toán Việt Nam theo quan điểm rất thận trọng nhưng theo ông Hải, con số này hoàn toàn khác xa với thực tế.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính quản trị do khối Tài chính Kế toán của HBC lập dựa vào đặc thù của hoạt động xây dựng và những thông tin số liệu sát với thực tế của thị trường cũng như Công ty, vốn chủ sở hữu của HBC hiện nay vào khoảng 5.5 ngàn tỷ đồng, cao hơn gần 60 lần so với số liệu trên BCTC kiểm toán.

Lý do sự chênh lệch này thứ nhất là, giá các bất động sản được định giá theo giá thị trường trong khi BCTC kiểm toán được ghi nhận theo giá gốc (tức theo nguyên giá hay nói cách khác là giá mua ban đầu).

Nhưng trên thực tế, thị trường địa ốc Việt Nam có sự biến động gia tăng giá liên tục trong nhiều năm. Cách ghi nhận này đã gây ra sự chênh lệch rất lớn giữa 2 bản báo cáo. Chẳng hạn, trụ sở 235 Võ Thị Sáu, quận 3, TPHCM, theo ghi nhận trên sổ sách chỉ có 5 tỷ đồng nhưng giá giao dịch hiện nay không dưới 75 tỷ đồng, khác biệt lên đến 15 lần.

Ngoài bất động sản, định giá những tài sản cố định của HBC trong BCTC kiểm toán cũng thấp hơn rất nhiều so với thực tế, thậm chí nhiều tài sản cố định không được đưa vào định giá vốn chủ sở hữu, từ đó khiến cho vốn chủ sở hữu thấp hơn nhiều.

Theo báo cáo quản trị thì giá bất động sản theo thị trường hiện nay là 4.7 ngàn tỷ đồng, trong khi trên BCTC kiểm toán chỉ ghi nhận 2.4 ngàn tỷ đồng, chênh lệch 2.3 ngàn tỷ đồng.

Thứ hai là, giá trị còn lại của máy móc thiết bị được ghi nhận trong BCTC kiểm toán không phù hợp với thực tế bởi 2 lý do chính: giá trị khấu hao theo chế độ kiểm toán hiện hành chưa phản ánh đúng với khấu hao trong thực tế và sự trượt giá trên thị trường cũng tác động đến giá trị còn lại này.

Theo HBC, nhiều máy móc thiết bị đã khấu hao hết và ghi nhận trong sổ sách bằng không nhưng thực tế vẫn còn hoạt động rất tốt. Mặt khác, giá mua mới hiện nay trên thị trường cao hơn nhiều so với nguyên giá (giá mua trước đây) nên sự chênh lệch về giá trị còn lại của các máy móc thiết bị này đang rất lớn giữa 2 bản báo cáo, lên đến hơn 1 ngàn tỷ đồng.

Thứ ba là, các khoản phải trích lập dự phòng theo chế độ kế toán hiện hành được xác định theo tuổi nợ, trong khi theo báo cáo quản trị, HBC đánh giá căn cứ vào nguyên nhân chậm thanh toán, sự đảm bảo về chất lượng công trình, mức độ hoàn thiện của những hồ sơ thanh quyết toán, năng lực tài chính và những rủi ro về hoạt động kinh doanh của khách hàng cùng những đặc thù về hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực địa ốc và mức độ ảnh hưởng đến khả năng thu hồi nợ của HBC.

Bên cạnh đó, “ông lớn” xây dựng cho biết chưa bao giờ xóa sổ bất kỳ khoản phải thu nào trong lịch sử. Phần hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi cụ thể có sự chênh lệch 1.4 ngàn tỷ đồng.

Cuối cùng, những đánh giá của HBC còn dựa vào kinh nghiệm giải quyết các vụ kiện về thu hồi nợ mà trường hợp điển hình là món nợ trên 5 năm (theo quy định đã lập dự phòng 100%) của FLC. Công ty cho biết không những thu hồi được 100% nợ gốc mà còn thu cả lãi và phạt có giá trị lên đến 58% nợ gốc. Phần chênh lệch khoản phải thu giữa giá trị ghi nhận trên sổ sách và giá trị phán quyết của tòa là 652 tỷ đồng. Theo HBC thì đây là khoản nợ hoàn toàn có khả năng thu hồi và sẽ làm tăng vốn chủ sở hữu.

Diễn biến vốn chủ sở hữu và lãi ròng của HBC từ năm 2003 đến nay

Tử Kính

FILI

Các tin tức khác

>   DMC: BCTC quý 1 năm 2024 (22/04/2024)

>   DHA: BCTC quý 1 năm 2024 (22/04/2024)

>   AAT: BCTC quý 1 năm 2024 (22/04/2024)

>   VCX: Báo cáo tài chính quý 1/2024 (22/04/2024)

>   TVB: BCTC quý 1 năm 2024 (22/04/2024)

>   FUCTVGF4: Báo cáo hoạt động đầu tư quý 1/2024 (22/04/2024)

>   PTB: Báo cáo thường niên năm 2023 (22/04/2024)

>   ADS: Nghị quyết, Biên bản họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 và tờ trình đại hội (22/04/2024)

>   HAG: Nghị quyết HĐQT về việc thông qua kết quả chào bán cổ phiếu riêng lẻ (22/04/2024)

>   SGT: Nghị quyết và Biên bản họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 (22/04/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật