Thứ Ba, 23/04/2024 14:22

Chủ tịch HTV: Ngành xi măng 120 năm qua chưa bao giờ khó khăn về tiêu thụ như hiện nay

Ngành xi măng trong hơn 120 năm qua chưa bao giờ khó khăn về công tác tiêu thụ như bây giờ, hầu hết đơn vị xi măng đang rất khó khăn và đa phần kinh doanh thua lỗ”, ông Hà Quang Hiện - Chủ tịch HĐQT CTCP Logistics Vicem (HOSE: HTV) chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 tổ chức ngày 23/04.

Ngành xi măng tiếp tục gặp khó

Ông Hà Quang Hiện - Chủ tịch HĐQT HTV cho biết, trong bối cảnh kinh tế khó khăn năm vừa qua, đặc biệt là ngành vật liệu xây dựng nói chung và ngành xi măng nói riêng, mà hoạt động của HTV chủ yếu dựa vào kinh doanh về vận tải của ngành xi măng và một số hoạt động khác về vật liệu xây dựng, tuy nhiên sự khó khăn chung đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động vận tải logistic của HTV.

Bên cạnh đó, Logistic Vicem là một trong những đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Xi Măng Việt Nam, hiện Tổng Công ty, các đơn vị thành viên, các đơn vị xi măng tư nhân hay liên doanh đều cũng đang rất khó khăn và đa phần doanh nghiệp xi măng đều kinh doanh thua lỗ, điều này cũng ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của Công ty.

"Ngành xi măng trong hơn 120 năm qua chưa bao giờ khó khăn về công tác tiêu thụ như bây giờ,  hầu hết đơn vị xi măng đang rất khó khăn và đa phần kinh doanh thua lỗ", ông Hiện chia sẻ.

Ngành xi măng được dự báo tiếp tục còn khó khăn trong năm 2024. Do đó, ông Hiện cho hay HTV sẽ giảm tổng quỹ tiền lương, cắt giảm các phương tiện và lao động; sắp xếp lao động cho hợp lý, tinh gọn và hiệu quả trong năm nay.

Ông Đỗ Văn Huân – Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc nhận định, năm 2024 vẫn có những khó khăn nhất định vì với độ mở kinh tế lớn, trong khi tính tự chủ của nền kinh tế, năng lực sản xuất trong nước còn khiêm tốn, tác động của rủi ro, thách thức tới tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam được đánh giá sẽ không nhỏ.

Ngoài ra, nhiều công ty thương mại đã tự đầu tư phương tiện vận tải thủy nội địa và cả phương tiện vận tải biển có trọng tải lớn để phục vụ cho chính dịch vụ cung cấp, mua bán hàng hóa của mình, việc này đã làm tăng sự cạnh tranh về nguồn hàng vận chuyển cũng như giảm giá cước vận chuyển trên thị trường.

“Nguồn cung thuyền viên trên thị trường tiếp tục bị hạn chế, việc này gây khó khăn cho công ty trong tuyển dụng thêm thuyền viên, nhất là thuyền trưởng, máy trưởng hạng nhất có kinh nghiệm, tay nghề cao để duy trì ổn định đội ngũ thuyền viên vận hành phương tiện” - ông Huân nêu quan điểm.

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của HTV được diễn ra vào sáng ngày 23/04 - Ảnh: Thanh Tú

Kế hoạch kinh doanh tăng trưởng nhẹ

Tại đại hội, cổ đông HTV thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 với tổng doanh thu gần 351 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 9 tỷ đồng, lần lượt tăng 10% và 6% so với năm 2023. Cổ tức 2024 tỷ lệ không thấp hơn 3%.

Khối lượng vận chuyển năm 2024 dự kiến hơn 5.4 triệu tấn, phần lớn từ dịch vụ vận tải thủy hơn 4.55 triệu tấn.

Khép lại năm 2023, Logistics Vicem đạt doanh thu hơn 320 tỷ đồng, giảm 14% và lãi sau thuế hơn 8 tỷ đồng, giảm 53% so với năm trước, mức thấp nhất trong 15 năm qua của doanh nghiệp (tính từ 2009).Nói về tình hình kinh doanh ảm đạm năm vừa qua, Tổng Giám đốc Logistics Vicem cho biết, do HTV hoạt động chính ngành vận tải kho bãi nên sản xuất kinh doanh hầu như lệ thuộc hoàn toàn vào ngành công nghiệp sản xuất, trong đó phần lớn là phục vụ vận chuyển cho các đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng.

Bên cạnh đó, Công ty tiếp tục gặp khó khăn khi số lượng phương tiện tới kỳ sửa chữa lớn do đội sà lan HTV đã cũ và tuổi tàu lớn, có tuổi tàu từ 13-16 năm trong năm tăng, đồng thời do đơn giá sắt thép và đơn giá nhân công năm 2023 tăng cao nên chi phí sửa chữa phương tiện tăng cao từ đó làm tăng chi phí sửa chữa, giảm thời gian hoạt động của phương tiện do HTV sở hữu, thời gian phương tiện dừng sửa chữa không hoạt động ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác phương tiện giảm tương ứng với thời gian sửa chữa.

“Các nhóm hàng lớn HTV đang thực hiện vận chuyển như than, sắt, thép… tình hình tiêu thụ chưa tăng trưởng khả quan, làm ảnh hưởng tới sản lượng và doanh thu vận chuyển của Công ty năm vừa qua”, ông Huân trình bày.

Quý 1 vẫn thua lỗ

Quý đầu năm 2024, tổng doanh thu HTV đạt 60 tỷ đồng, giảm 23% so cùng kỳ; trong khi lỗ sau thuế hơn 76 triệu đồng, cùng kỳ lỗ hơn 1 tỷ đồng.

Chủ tịch HTV cho biết, những tháng cuối năm 2023, Công ty đã có nhiều biện pháp để giảm chi phí, toàn bộ các tàu bè có chi phí sửa chữa lớn, HTV đã cân đối, sắp xếp lại lực lượng tàu thuyền để đảm bảo hoạt động sửa chữa tối ưu nhất.

Điều đó được thể hiện qua hoạt động sản xuất kinh doanh quý 1/2024, công ty đã hoạt động hiệu quả hơn rất nhiều so với cùng kỳ, dù vẫn thua lỗ.

Mặc dù vậy, vẫn còn tiềm ẩn những khó khăn và dự báo tiếp tục khó khăn trong năm 2024. Ngay cả CTCP Xi Măng Vicem Hà Tiên (HOSE: HT1) năm 2023 cũng giảm 20% sản lượng so với 2022, lợi nhuận giảm sâu.

“Doanh thu vận tải cho HT1 chiếm tới 50-60% doanh thu của HTV, có nghĩa là nếu HT1 khó khăn thì HTV cũng sẽ khó khăn theo. Tuy vậy, năm 2024, HTV kỳ vọng sẽ điều hành để hiệu quả tối ưu nhất, bảo toàn sinh lời vốn góp của các cổ đông”, Chủ tịch HTV chia sẻ.

Kết thúc đại hội, tất cả tờ trình đều được thông qua.

Thanh Tú

FILI

Các tin tức khác

>   SAS: Báo cáo tài chính quý 1/2024 (23/04/2024)

>   VVS: Báo cáo tài chính quý 1/2024 (23/04/2024)

>   VGC: BCTC quý 1 năm 2024 (23/04/2024)

>   VGC: BCTC Hợp nhất quý 1 năm 2024 (23/04/2024)

>   TTN: Báo cáo tài chính quý 1/2024 (công ty mẹ) (23/04/2024)

>   QNC: Báo cáo tài chính quý 1/2024 (công ty mẹ) (23/04/2024)

>   QNC: Báo cáo tài chính quý 1/2024 (23/04/2024)

>   ĐHĐCĐ CSV: Kế hoạch thận trọng, cuối 2029 hoàn tất dự án Nhơn Trạch (23/04/2024)

>   LM7: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 (23/04/2024)

>   SII: Báo cáo tài chính quý 1/2024 (23/04/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật