Thứ Năm, 28/03/2024 15:52

Nhịp đập Thị trường 28/03: Khối ngoại nối dài chuỗi bán ròng 13 phiên liên tiếp

Chốt phiên 28/03, khối ngoại bán ròng xấp xỉ 1,000 tỷ đồng, đưa số phiên bán ròng lên 13 phiên liên tiếp với tổng giá trị hơn 9.6 ngàn tỷ đồng. Nhóm này bán mạnh VHM và mua mạnh STB.

Phiên 28/03, VN-Index đóng cửa tại 1,290.18 điểm, tăng 7 điểm (+0.55%) so với ngày hôm qua. Đáng chú ý nhóm VN30 tăng đến 14.43 điểm (+1.12%), dừng tại 1,303.20. Thanh khoản chỉ số này gần 23 ngàn tỷ đồng. Cả thị trường xấp xỉ 25 ngàn tỷ đồng.

Ở mức điểm hiện tại, VN-Index đã tăng 14% kể từ đầu năm và tăng hơn 22% trong vòng 1 năm, kém hơn một chút so với VN30 (15.16% và 23.36%) nhưng đang tốt hơn HNX và UPCoM. Nếu tính một năm qua, VN-Index có mức tăng tương đương Dow Jones (Mỹ) nhưng chưa thể so với S&P 500 (Mỹ, 31.95%), Nasdaq (Mỹ, 39.35%), Nikkei (Nhật Bản, 46.13%) hay nhóm MidCap (40.84%).

Thị trường tiếp tục khẳng định niềm tin đối với TCB (+5.38%) và VHM (+1.88%) khi 2 cổ phiếu này duy trì sự ảnh hưởng mạnh nhất lên chỉ số chung cho đến cuối phiên. GVR (-1.05%), NVL (-2.49%) hay VRE (-1.16%) là những cái tên ở phía ngược lại.

Khối ngoại có phiên bán ròng thứ 13 liên tiếp, số tiền 1 ngàn tỷ đồng. Riêng VHM bị bán lên tới 313 tỷ đồng, ngược chiều với thị trường. Ở chiều ngược lại thì nhóm này mua ròng STB (+3.56%) số tiền lên đến 195 tỷ đồng, theo sau là SSI (+1.69%) 36 tỷ đồng.

Khối ngoại có 13 phiên bán ròng liên tiếp, kể từ 11/03/2024

Nhóm chứng khoán chốt phiên tăng 1.79%, đành chấp nhận đứng sau chế biến thủy sản (+1.88%). Sản phẩm cao su giảm mạnh nhất 0.71%.

14h15: Nhóm chứng khoán tăng điểm nhưng VND ngược dòng

Ngược với buổi sáng, mở màn phiên chiều, VN-Index có lúc tăng lên cao nhất 1,290 điểm nhưng phe bán nhanh chóng lao vào chiếm ưu thế. Sau một tiếng, chỉ số lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam bị kéo giảm, còn quanh vùng 1,286 điểm.

Những cái tên đứng đầu tác động đến thị trường chung vẫn là TCB (+5.05%) dù không còn bằng thời điểm buổi sáng. VHM (+1.53%) vẫn duy trì vị trí thứ 2 nhưng đã giảm ảnh hưởng đáng kể do khối ngoại bán ròng mạnh nhất. Còn VIC (+1.38%) đã soán ngôi BID (+0.38%). Ở chiều ngược lại ghi nhận cái tên mới đứng sau GVR (-0.9%) là HPG (-0.49%).

Ngành chế biến thủy sản vươn lên dẫn đầu với mức tăng 1.62% đóng góp đáng kể bởi VHC (+2.47%) và ASM (+2.34%); theo sau là bán lẻ tăng 1.53% do 2 ông lớn ngành bán lẻ là FRT (+3.2%) và MWG (1.38%) đã tăng rất mạnh. Nhóm chứng khoán (+1.38%) cũng không ngoại lệ khi một loạt cổ phiếu tăng mạnh, cụ thể với SSI (+1.17%); VCI (+3.41%); HCM (+2.24%). Riêng VND đi ngược dòng, giảm 0.86%.

Ở phía ngược lại, sản phẩm cao su giảm 1.92%, kế đến là tài chính khác (-1.14%), dịch vụ và tư vấn hỗ trợ (-0.64%).

Diễn biến nhóm ngành tính đến 14h00 phiên 28/03/2024

Phiên sáng: VN-Index gặp thử thách ở kháng cự 1,293

Phiên sáng 28/03, VN-Index với đà tích cực từ TCB, VHM, MSN bật tăng “nóng” ngay khi mở cửa, có lúc tới chạm đỉnh cũ 1,293 điểm hồi tháng 08/2022 nhưng sau đó “nguội” dần.

Diễn biến phiên sáng 28/03 của VN-Index

Đây có thể xem là ngưỡng kháng cự mạnh, khó có thể bị vượt qua trong ngắn hạn. Hiện VN-Index đang tạm “nghỉ trưa” tại 1,288.96 điểm, tăng 0.46% so với đóng cửa phiên ngày hôm qua. Riêng nhóm bluechip VN30 tăng đến 11 điểm, lên 1,300.19 (+0.89%).

Kết thúc phiên sáng, thanh khoản thị trường khoản gần 13 ngàn tỷ đồng, cao hơn cùng thời điểm hôm qua. Trong đó, VN-Index đóng góp hơn 11.5 ngàn tỷ đồng. Riêng giá trị giao dịch của VN30 gần gấp đôi hôm qua, đạt 5.6 ngàn tỷ đồng.

Ngay sau khi có thông tin chính thức về cổ tức, nhà đầu tư đã tranh mua cổ phiếu TCB ngay trong phiên giao dịch chứng khoán sáng 28/03. Từ phiên ATO, lượng đặt mua đã vượt xa lượng đặt bán, đẩy giá TCB tăng trần lên 48,700 đồng/cp. Với đà tăng mạnh mẽ trong thời gian qua, vốn hóa TCB hiện đã vượt qua VPB và giành lại vị thế ngân hàng tư nhân vốn hóa lớn nhất Việt Nam. Tại mức giá này, giá trị vốn hóa của TCB là 171.5 nghìn tỷ đồng, tăng 11,000 tỷ đồng so với đóng cửa hôm qua và lên cao nhất hơn 2 năm.

Cổ phiếu TCB (+5.05%) chốt phiên sáng tăng thêm 2,300 đồng/cp, lên 47,850 đồng và vẫn duy trì dẫn đầu nhóm ảnh hưởng đến VN-Index cùng với hai cổ phiếu sau đó là VHM (+2.12%) và BID (+0.76%). Gần về cuối phiên, VIC (+1.17%) và FPT (+1.39%) vượt qua MSN (+1.72%).  Ở chiều ngược lại có GVR (-0.75%), SAB (-0.87%) và NVL (-1.38%) kéo giảm.

Sáng nay khối ngoại bán ròng gần 800 tỷ đồng trên cả 3 sàn. Ngược với quan điểm chung của thị trường, khối này bán mạnh nhất đối với TCBVHM số tiền lần lượt 185 tỷ đồng và 170 tỷ đồng. Một cổ phiếu thuộc họ Vingroup là VRE (-0.39%) cũng bị bán đến 117 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhóm này lại đặt niềm tin lớn vào nhóm chứng khoán khi mua ròng VCI (+2.27%) và SSI (+1.04%) với giá trị lần lượt 27 tỷ đồng và 23 tỷ đồng.

Top 10 cổ phiếu khối ngoại mua - bán ròng mạnh nhất tính tới phiên sáng 28/03/2024
Giao dịch của khối ngoại gần đây

10h40: TCB dẫn đầu nhóm kéo tăng VN-Index

Sau khoảng 1 tiếng đầu mở phiên đầy tích cực, thị trường dần có dấu hiệu “chùng” nhẹ xuống. Đến khoảng 10h30, sắc xanh vẫn chiếm ưu thế, VN-Index loanh quanh vùng 1,292 điểm, tăng khoảng 8 điểm so với đóng cửa phiên trước.

TCB (+6.04%) vẫn dẫn dắt nhóm kéo tăng điểm số nhưng mức độ tác động lên VN-Index đã giảm nhẹ, còn khoảng 2.5 điểm dù có lúc xuống 2.1 điểm. Trong khi đó, dù “chấp” BID (+0.76%) và MSN (2.52%) chạy trước nhưng VHM (+3.29%) lúc này có sự bứt phá mạnh mẽ, vượt qua cả 2 cổ phiếu, đóng góp đến 1.4 điểm cho chỉ số chung.

Yếu tố tích cực có lẽ đến từ thông tin VHM bắt đầu mở bán dự án bất động sản trên đảo Vũ Yên, một dự án mà giới đầu tư đồn đoán là dành cho giới nhà giàu.

Top 10 cổ phiếu tác động tới VN-Index tính tới 10h45 phiên 28/03/2024

Ở chiều ngược lại, GVR (-0.45%) là cái tên gây thất vọng nhất khi tiếp tục giảm, theo sau là CTG (-0.14%) và PLX (-0.92%).

Về nhóm ngành, nông - lâm - ngư đang tích cực nhất khi tăng 1.76%, trong đó HAG (+3.19%) là cái tên nổi bật. Kế đến là chế biến thủy sản (+1.41%), công nghệ thông tin (1.24%)… Nhóm khai khoáng và sản phẩm cao su giảm mạnh nhất, lần lượt 0.28% và 0.62%.

Mở cửa: Ngân hàng và chứng khoán dẫn lối, VN-Index bứt phá

Cả 3 chỉ số VN-Index, HNX và UPCoM đều mở màn phiên 28/03 với sự tích cực, đà xanh lan tỏa dưới sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Tại thời điểm 9h30, VN-Index đang tăng 8.69 điểm lên 1,291.78, HNX tăng 0.95 điểm lên 243.8 và UPCoM tăng 0.21 điểm lên 91.39.

Chứng khoán và ngân hàng là hai nhóm tích cực, lần lượt tăng 1.2% và 1.14%, đồng thời đóng góp lớn vào mức tăng mạnh mẽ đầu phiên hôm nay.

Với nhóm ngân hàng, TCB nổi bật nhất khi nhanh chóng “tím trần” sau thông tin về kế hoạch kinh doanh 2024 dự kiến trình ĐHĐCĐ thường niên thông qua, nổi bật với lãi trước thuế 27.1 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng 18.4% so với thực hiện 2023, kế hoạch phát hành cổ phiếu tỷ lệ 100% để nâng vốn điều lệ lên 70.45 ngàn tỷ đồng và đặc biệt là tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền 15% (1 cổ phiếu nhận 1,500 đồng), lần đầu tiên sau 10 năm nói không với cổ tức.

Về các cổ phiếu chứng khoán, tiếp tục với các tin tức xoay quanh tiến trình KRX, nhóm này cho thấy diễn biến tích cực với SSI tăng 1.3%, VCI tăng 1.33%, HCM tăng 2.24% hay VND hồi phục 0.86% dù vẫn chưa hoàn toàn khắc phục lỗi hệ thống.

TCB tăng mạnh qua đó đóng góp gần 2.9 điểm tăng cho VN-Index, theo sau là hàng loạt cổ phiếu ngân hàng khác như BID, MBB, ACB. VPB hay VIB, bên cạnh sự giúp sức của các cổ phiếu trụ như MSN hay FPT.

Sắc xanh trần ngập hầu hết các nhóm ngành, ngoài ngân hàng và chứng khoán còn có thể kể đén thủy sản tăng 2.13%, công nghệ thông tin tăng 1.4%. Chiều ngược lại, chỉ có 4 nhóm giảm điểm, nhưng mức giảm chỉ quanh 0.1% và không mấy tác động đến chỉ số.

Thanh khoản phiên hôm nay cũng cải thiện hơn so với hôm qua và trung bình 5 phiên gần nhất. Khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng miệt mài sang phiên thứ 13 liên tiếp.

Huy Khải

FILI

Các tin tức khác

>   Chứng khoán phái sinh ngày 28/03/2024: Tín hiệu lạc quan dần xuất hiện (27/03/2024)

>   Thị trường chứng quyền 28/03/2024: Tốt xấu đan xen (27/03/2024)

>   Vietstock Daily 28/03/2024: Duy trì thế trận giằng co (27/03/2024)

>   Nhịp đập Thị trường 27/03: Tiền về, VN-Index hồi trong phiên chiều (27/03/2024)

>   Vietstock Daily 27/03/2024: Nhiều tín hiệu trái chiều xuất hiện (26/03/2024)

>   Thị trường chứng quyền 27/03/2024: Sắc xanh quay trở lại (26/03/2024)

>   Chứng khoán phái sinh ngày 27/03/2024: Thiếu sự ủng hộ từ dòng tiền (26/03/2024)

>   Nhịp đập Thị trường 26/03: Lấy lại điểm số đã mất hôm qua (26/03/2024)

>   Thị trường chứng quyền 26/03/2024: Khối ngoại bán ròng mạnh nhất kể từ đầu năm 2024 (25/03/2024)

>   Vietstock Daily 26/03/2024: Sự bi quan đang lớn dần (25/03/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật