Nhịp đập Thị trường 05/03: MSN kịch trần, cổ phiếu chứng khoán đảo chiều
Phiên chiều ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc, trong đó bao gồm cả việc cổ phiếu MSN tăng kịch trần.
Tại mức giá trần 75,600 đồng/cp, MSN leo lên mức cao nhất trong 5 tháng qua, kể từ tháng 10/2023. Đồng thời, với khối lượng khớp lệnh đạt gần 13 triệu đơn vị, MSN có phiên thanh khoản cao nhất kể từ khi niêm yết.
Theo báo cáo mới nhất từ CTCK Bảo Việt (BVSC), lợi nhuận MSN được dự báo hồi phục mạnh mẽ từ nền thấp. BVSC dự báo doanh thu thuần hợp nhất đạt 90,417 tỷ (tăng 15%) và lãi ròng đạt 1,651 tỷ, tăng gần 4 lần so với nền thấp năm 2023. Động lực tăng trưởng chính sẽ đến từ sự vững vàng của trụ cột The CrownX với tăng trưởng ổn định từ Masan Consumer Holdings trong khi WinCommerce tiếp tục cải thiện hiệu quả hoạt động, hướng đến năm đầu tiên có lợi nhuận hoạt động dương. Các mảng khác bao gồm Masan MeatLife và Masan Hi-Tech Materials thu hẹp lỗ, giảm bớt gánh nặng lợi nhuận chung cho cả Tập đoàn. Ngoài ra, chi phí lãi vay giảm nhờ mặt bằng lãi suất thấp. Rủi ro tỷ giá của các khoản vay USD đã được phòng hộ 100% thông qua các hợp đồng tương lai và công cụ phái sinh.
BVSC cho rằng thời điểm khó khăn nhất về áp lực tài chính đã qua, và sự phục hồi mạnh mẽ về lợi nhuận của Tập đoàn, nhờ sự vững vàng của các mảng kinh doanh tiêu dùng và chi phí lãi giảm, sẽ tạo động lực tích cực cho giá cổ phiếu trong năm 2024. BVSC cũng nhấn mạnh cổ phiếu MSN, bên cạnh một số blue-chips khác, có thể sẽ thu hút dòng tiền trong câu chuyện nâng hạng sắp tới của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trở lại với thị trường chung, một điểm sáng tích cực nữa đến từ nhóm cổ phiếu chứng khoán khi đồng loạt đảo chiều, khởi sắc. CTS ghi tên vào nhóm tăng kịch trần để lên mức cao nhất từ tháng 1/2022. FTS tăng gần trần (6.72%), BSI tăng 4.3% để lập kỷ lục mới tại 60,500 đồng/cp, MBS tăng 3.5%,…
MWG phiên hôm nay cũng bật tăng mạnh 5.49%, lên 50,000 đồng/cp, ghi nhận phiên tăng thứ 5 liên tiếp. Đáng chú ý, MWG khớp kỷ lục hơn 22.3 triệu cp. FRT tăng ít hơn với 2.3% nhưng cũng đủ để đóng cửa trên đỉnh 145,000 đồng/cp.
Ở nhóm thép, POM tăng kịch trần, HPG tăng hơn 1%, HSG và NKG kết phiên tăng nhẹ.
Cổ phiếu ngân hàng cũng chỉ còn VCB và TPB giảm giá, còn lại đều phục hồi và tăng trở lại. BID tăng 1.68%, CTG tăng 1.26%, MBB tăng 1.65% và TCB gần 1% đã giúp chỉ số chính sàn HOSE đảo chiều.
Từ những tích cực kể trên, VN-Index đóng cửa tăng 8.5 điểm, hay 0.68%, lên mốc 1,269.98 điểm. Riêng sàn HNX do chịu sức ép từ nhiều mã lớn ngành bất động sản như CEO hay IDC nên vẫn còn giảm nhẹ.
Phiên sáng: Cổ phiếu thép ngược dòng
VN-Index có xu hướng giằng co trở lại vào cuối phiên sáng với điểm nhấn đến từ nhóm cổ phiếu ngành thép.
HPG, NKG, POM, HSG, VGS, VCA và NSH đều giao dịch tích cực trong sắc xanh. Trong đó HPG tăng 1.1% và được khối ngoại mua ròng mạnh nhất toàn thị trường.
Ngoài ra, một vài cổ phiếu ngành xây dựng cũng bất ngờ bay cao, chẳng hạn HTN tăng kịch trần với thanh khoản hơn 3.2 triệu đơn vị. Đây cũng là phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp của mã này. FCN cũng nới rộng đà tăng lên hơn 4% trong khi ông lớn REE tăng 1.3%.
Trở lại với nhóm ngân hàng, dù đa số vẫn giảm nhưng một vài mã đã đảo chiều tăng trở lại như STB, VPB hay MBB. LPB thậm chí còn tăng 2.3% và đang trở lại chinh phục đỉnh kỷ lục.
Sáng nay khối ngoại bán ròng 129 tỷ đồng, tập trung ở FUEVFVND, SSI, VHM và VIX. Bên cạnh HPB, STB và MWG là 2 mã tiếp theo được mua ròng nhiều nhất. Tổng khối lượng giao dịch 3 sàn phiên sáng đạt 509 triệu cp, tương ứng gần 12 ngàn tỷ đồng.
10h30: Sắc đỏ lan rộng
Dòng tiền vẫn có sự luân chuyển tích cực nhưng áp lực bán đang dần chiếm ưu thế. Vn-Index đến 10h30 đã giảm hơn 3 điểm và HNX-Index cũng giảm hơn 1 điểm.
Độ rộng thị trường đang bị thu hẹp, chỉ còn 238 mã tăng, trong khi có đến 374 mã giảm giá. MSN duy trì sự tích cực khi nới rộng đà tăng lên hơn 3%, MWG còn tăng hơn 1% và có thêm DGC gia nhập với mức tăng trên 1%.
Ở nhóm bất động sản, bộ ba VIC, VHM và VRE giảm giá nhẹ, PDR và NVL giảm trên 1.7%. Một vài cổ phiếu duy trì được sắc xanh hiếm hoi như BCM, NLG, KDH, HDG, thậm chí NBB còn tăng trần với thanh khoản đột biết.
Với NBB, nhiều khả năng tăng trần đến tù thông tin CII muốn quay trở lại mua cổ phiếu để trở thành công ty mẹ một lần nữa.
Nhóm ngành sản phẩm cao su đang dẫn đầu đà giảm, thực tế đến từ mã SRC giảm gần sàn.
Giảm đều nhất vẫn là nhóm chứng khoán với 25 mã giảm (so với 20 mã hồi đầu phiên). SSI và VCI giảm gần 1%, VND giảm hơn 1%. IVS là mã giảm mạnh nhất với 2.4%. Khối ngoại đang bán ròng khoảng 2 triệu cp của nhóm ngành này.
Mở cửa: VN-Index chịu áp lực từ nhóm ngân hàng
VN-Index mở cửa tăng hơn 2 điểm nhưng sau đó nhanh chóng lùi về dưới tham chiếu khi nhiều mã ngân hàng điều chỉnh giảm.
TCB và ACB đang là 2 mã ngân hàng ảnh hưởng tiêu cực nhất lên chỉ số chính sàn HOSE, bên cạnh đó là thì VCB, HDB, STB và VCB cũng đang giao dịch trong sắc đỏ. Không chỉ vậy, cổ phiếu ngành chứng khoán cũng đang sụt giảm với 20 mã đỏ và không có cổ phiều nào tăng.
BSI, FTS giảm trên 1%, SSI, VCI, HCM hay VND thì giảm dưới 1%. Ngay đầu phiên, khối ngoại đã bán ròng nhiều mã cổ phiếu ngành chứng.
Điều tích cực cho thị trường lúc này là MSN đang tăng hơn 2% và trở thành trụ đỡ chính cho VN-Index. Tiếp theo đó là CTG, MWG, MBB hay GAS cũng duy trì sắc xanh.
CII đang tăng mạnh 4.5%, nhóm xây lắp tầng khởi đầu tốt còn có LCG, PC1, HHV, FCN, VCG.
Đến 9h30, VN-Index đang giảm hơn 2 điểm, tạm lùi về dưới mốc 1,260 điểm, HNX-Index cũng giảm nhẹ, chỉ số chỉ số sàn UPCoM còn tăng.
Phương Châu
FILI
|