Thứ Bảy, 16/03/2024 10:41

Nghịch lý xuất khẩu cà phê, hồ tiêu

Cà phê Robusta và hồ tiêu là 2 mặt hàng xuất khẩu Việt Nam dẫn đầu thế giới nhưng thị phần lại đang rơi vào tay nhiều doanh nghiệp nước ngoài.

So với cùng kỳ năm ngoái, giá hồ tiêu tăng 30%, giá cà phê tăng hơn 100%. Điều này đã thu hút rất nhiều doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước tham gia thu mua, chế biến và xuất khẩu 2 loại nông sản này vì mức sinh lợi cao.

Doanh nghiệp nước ngoài chiếm ưu thế

Về hồ tiêu, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu suốt 20 năm qua. Thế nhưng, theo công bố mới đây của Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), những DN dẫn đầu về xuất khẩu hồ tiêu trong 2 tháng đầu năm 2024 đều đến từ nước ngoài.

Cụ thể, dẫn đầu là Công ty Nedspice Việt Nam (Hà Lan) với 3.555 tấn, tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái; tiếp theo là Olam Việt Nam (Ấn Độ) 3.229 tấn, tăng 32%.

Trong khi đó, 2 DN Việt ở vị trí tiếp theo đều có sản lượng xuất khẩu giảm. Cụ thể, Công ty Trân Châu đạt 2.265 tấn, giảm 33,4%; Công ty Phúc Sinh 1.744 tấn, giảm 31,5%.

Bên trong nhà máy tiêu nghiền của Công ty Phúc Sinh Ảnh: AN NA

Bên trong nhà máy tiêu nghiền của Công ty Phúc Sinh .Ảnh: AN NA

Bảng xếp hạng các DN xuất khẩu hồ tiêu với sản lượng hàng đầu cũng thuộc về Olam Việt Nam và Nedspice Việt Nam, còn Công ty Trân Châu và Công ty Phúc Sinh xếp vị trí thứ 3 và 4.

Trong khi trước đây, Trân Châu và Phúc Sinh thường xuyên giữ vị trí quán quân về xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam. Ông Phan Minh Thông, sáng lập Công ty Phúc Sinh, được mệnh danh là "vua hồ tiêu" cũng vì lý do này.

Ở mảng cà phê chế biến, các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng chiếm thị phần áp đảo về xuất khẩu.

Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), trong 5 tháng đầu của niên vụ cà phê 2023 - 2024 (từ tháng 10-2023 đến tháng 2-2024), tốp 10 DN xuất khẩu cà phê rang xay và hòa tan hầu hết đều có vốn FDI.

Trong đó, Nestlé Việt Nam (Thụy Sĩ) dẫn đầu với khoảng 57,5 triệu USD và một loạt cái tên khác như Outspan Việt Nam (Ấn Độ), Cà phê Ngon (Ấn Độ), Tập đoàn Trung Nguyên (Việt Nam), Iguacu Việt Nam (Nhật Bản), URC Việt Nam (Philippines), Tata Coffee Việt Nam (Ấn Độ), Instanta Việt Nam (châu Âu), Sucafina Việt Nam (đa quốc gia) và Công ty CP Quốc tế Thực phẩm Lựa chọn đỉnh. Như vậy, trong danh sách này chỉ có một thương hiệu Việt là Tập đoàn Trung Nguyên.

Ở những niên vụ trước, như niên vụ 2022 - 2023, các DN FDI xuất khẩu cà phê nhân sống (nguyên liệu) chiếm thị phần khoảng 33,1% và 71,7% về xuất khẩu cà phê chế biến (rang xay và hòa tan). Còn ở niên vụ 2021 - 2022, tỉ lệ này lần lượt là 31,7% và 66%.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Vicofa, cho biết các DN FDI cũng là hội viên Vicofa và họ có ưu thế, có tiềm lực về vốn, công nghệ, thị trường.

"Thời gian gần đây, thị phần xuất khẩu của các DN FDI có xu hướng tăng. Một phần nguyên nhân là do giá cà phê tăng khiến điểm yếu về vốn của DN Việt Nam bộc lộ rõ. Với cùng số vốn nhưng DN chỉ mua được khoảng một nửa số lượng cà phê của năm ngoái" - ông Hải lý giải.

Không dễ thay đổi

Lý giải về việc các DN nước ngoài chiếm thị phần lớn về xuất khẩu cà phê chế biến, ông Nguyễn Ngọc Luận, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Liên kế thương mại Toàn Cầu (thương hiệu cà phê Meet More), cho biết để đầu tư một nhà máy chế biến cà phê hòa tan rất tốn kém, đặc biệt là dây chuyền chiết xuất tinh chất cà phê cần vốn ban đầu khoảng 1.000 tỉ đồng.

 Đây là rào cản rất lớn đối với DN Việt. Trong khi đó, các tập đoàn nước ngoài có kinh nghiệm hàng trăm năm có vốn mạnh với chi phí rẻ, họ có công nghệ, thương hiệu toàn cầu nên chiếm lợi thế áp đảo.

"Mảng cà phê hòa tan trên thế giới tăng trưởng rất tốt với tốc độ 30%/năm do tính tiện lợi và giá trị dinh dưỡng; tương lai rất tiềm năng" - ông Luận đánh giá.

Còn đối với cà phê rang xay, ông Luận cho hay cái khó của DN Việt Nam là chưa bắt được gu tiêu dùng của khách hàng quốc tế còn gu cà phê rang xay Việt Nam khá khác biệt. Do đó, sản lượng xuất khẩu sang các nước còn ít. Tuy nhiên, GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam, cho rằng Việt Nam là vùng nguyên liệu cà phê, hồ tiêu của cả thế giới nên việc các tập đoàn nông sản, thực phẩm nước ngoài tìm đến để thu mua là điều tất yếu.

 "DN Việt có nguồn vốn không bằng các DN FDI nhưng họ rất linh hoạt và kinh doanh có hiệu quả. Nhiều DN Việt còn mua cà phê, hồ tiêu của Brazil, Indonesia... để chế biến xuất khẩu, mang lại lợi nhuận tốt dù họ không dẫn đầu về sản lượng xuất khẩu" - GS Bửu nhìn nhận.

GS-TS Bùi Chí Bửu cho rằng các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là cà phê, hồ tiêu… mang lại nhiều lợi ích, giúp các ngành được đầu tư phát triển bài bản, gia tăng năng lực cạnh tranh.

Xét về tổng thể, việc thu hút vốn FDI vào nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích và cần thu hút thêm dòng vốn này. "Trong chuỗi giá trị nhiều ngành hàng nông sản, nông dân và DN Việt Nam vẫn chiếm tỉ lệ cao" - GS Bửu so sánh. 

Doanh nghiệp Việt Nam dẫn đầu xuất khẩu cà phê nhân

Theo Vicofa, 5 tháng đầu niên vụ cà phê 2023 - 2024, các DN Việt Nam vẫn dẫn đầu về khối lượng xuất khẩu cà phê nhân sống (cà phê nguyên liệu). Trong đó, quán quân thuộc về Công ty TNHH Vĩnh Hiệp với 81.025 tấn. Đây là DN do ông Thái Như Hiệp, người sáng lập với thương hiệu L'amant Café, làm chủ. Tiếp theo là các DN Intimex Group, Tuấn Lộc Commodities, Simexco Daklak, Intimex Mỹ Phước, Phúc Sinh...

Còn ở niên vụ 2022 - 2023, Intimex TP HCM, Vĩnh Hiệp, Simexco Daklak, Intimex Mỹ Phước là 4 DN Việt Nam dẫn đầu về sản lượng xuất khẩu cà phê. Trong đó, Intimex Group là DN do ông Đỗ Hà Nam làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Ông Nam hiện là Phó Chủ tịch Vicofa.

VƯƠNG NGỌC

Người lao động

Các tin tức khác

>   Vì sao giá cà phê tăng phi mã? (12/03/2024)

>   Thủ tướng kỳ vọng đột phá hợp tác kinh tế nông nghiệp với New Zealand (10/03/2024)

>   Vì sao giá lúa gạo giảm? (08/03/2024)

>   Giá cà phê vượt 90.000 đồng/kg, mức cao chưa từng có (08/03/2024)

>   Giá cà phê liên tục lập kỷ lục, nông dân ngủ mơ cũng thấy cà phê tăng giá (08/03/2024)

>   Xuất khẩu gạo: Định vị thương hiệu để nâng giá trị tại thị trường quốc tế (06/03/2024)

>   Nhu cầu chăm bón cho lúa ở mức thấp khiến giá phân bón giảm nhẹ (05/03/2024)

>   Giá cà phê cao kỷ lục, nông dân thắng lớn (04/03/2024)

>   Vinafood 1: Giá lúa hiện nay giảm thì người dân vẫn có lãi khoảng 60% (04/03/2024)

>   Thị trường Algeria ưa chuộng các sản phẩm cà phê của Việt Nam (03/03/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật