Chính sách tiền tệ có được nới lỏng hơn?
Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6.5% đặt ra cho năm 2024, trong khi kinh tế toàn cầu vẫn đối mặt không ít khó khăn, bên cạnh chính sách tài khóa mở rộng, chính sách tiền tệ liệu có thể được nới lỏng hơn?
Bơm tiền
Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% đặt ra trong năm nay, ước tính sẽ có hơn 2 triệu tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế trong năm 2024 này, cao nhất từ trước đến nay, nâng số dư nợ tín dụng toàn ngành cuối kỳ lên mức gần 15.6 triệu tỷ đồng. Đáng lưu ý là mục tiêu tăng trưởng tín dụng kể trên có thể còn cao hơn, nếu như nền kinh tế sớm hấp thụ hết và hoạt động cho vay của các nhà băng hiệu quả.
Kỳ vọng này không phải là thiếu cơ sở, khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã sớm phân bổ hết hạn mức chỉ tiêu tín dụng trong năm 2024 cho các ngân hàng ngay từ đầu năm, đồng thời cho biết nếu ngân hàng nào sử dụng hết hạn mức, NHNN vẫn xem xét có thể gia tăng nhưng điều kiện đi kèm là nền kinh tế phải cho phép việc mở rộng tín dụng và đảm bảo vốn tín dụng vào đúng đối tượng.
Để đảm bảo đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao mà không gây sức ép lên lãi suất, nhà điều hành cần tiếp tục mạnh dạn mở rộng cung tiền hơn so với giai đoạn trước, trong bối cảnh lạm phát vẫn đang được kiểm soát tốt. Năm 2023 vừa qua, tổng phương tiện thanh toán ghi nhận mức tăng hơn 10%, gấp 2.6 lần mức tăng của năm 2022, và xu hướng này có lẽ sẽ tiếp tục được duy trì.
Một trong những công cụ để mở rộng cung tiền là tăng cường bơm tiền đồng qua kênh mua ròng ngoại tệ trên thị trường ngoại hối. Số liệu dự trữ ngoại hối vào cuối năm 2023 chưa được công bố chính thức, nhưng theo Thống đốc NHNN chia sẻ trong Hội nghị ngành ngân hàng cuối năm cho biết, dự trữ ngoại hối đã có sự cải thiện so với năm trước. Trước đó, số liệu công bố trong nửa đầu năm 2023 cho thấy NHNN đã mua ròng 6 tỷ USD.
Xu hướng này có thể tiếp diễn trong năm nay, trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ trong năm 2023 và dự báo năm 2024 tiếp tục dồi dào. Số liệu thống kê cập nhật gần nhất cho thấy, đã có xấp xỉ gần 103 tỷ USD đổ vào Việt Nam trong năm 2023, gồm xuất siêu hàng hóa 26.9 tỷ USD; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân 23.2 tỷ USD; giá trị góp vốn đầu tư mua cổ phần 36.6 tỷ USD; kiều hối 16 tỷ USD.
Trong bối cảnh lãi suất neo cao tại nhiều nền kinh tế, dòng vốn đầu tư quốc tế dịch chuyển, kết quả này là một trong những điểm sáng lớn nhất của nền kinh tế trong năm vừa qua. Và với lượng ngoại tệ lớn như vậy, nhà điều hành ắt hẳn sẽ tận dụng thời cơ để tăng cường mua vào, vừa giúp nâng cao dự trữ ngoại hối vừa tránh để tiền đồng tăng giá có thể gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu.
Ngoài ra, với chênh lệch giá vàng SJC trong nước và giá quốc tế quy đổi duy trì ở mức quá lớn thời gian qua, có thể gây bất ổn đến nền kinh tế, gần đây đã có những khuyến nghị cơ quan quản lý nên mở cánh cửa nhập khẩu vàng trở lại để bổ sung nguồn cung vàng miếng đáp ứng nhu cầu của thị trường. Theo đó, trong trường hợp nếu tăng cường nhập khẩu vàng, việc chuẩn bị nguồn ngoại tệ cũng là điều cần thiết.
Giảm lãi suất
Ngoài cơ chế bơm tiền, chính sách giảm thêm lãi suất cũng có thể được thực thi trong năm nay. Sau 4 lần giảm lãi suất điều hành trong nửa đầu năm 2023, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay của các ngân hàng đã liên tục đi xuống kể từ đó đến nay. Trong đó, khung lãi suất tiền gửi của nhiều ngân hàng hiện nay thậm chí đã rớt về dưới mức thấp kỷ lục trong giai đoạn đại dịch COVID 19.
Đơn cử như ở tiền gửi có kỳ hạn 1-2 tháng, mức lãi suất thấp nhất hiện nay chỉ còn 1.7%; kỳ hạn 3-5 tháng thấp nhất là 2%, đều ở 3 ngân hàng là Vietcombank, Agribank và SCB; trong khi mức cao nhất cũng chỉ quanh 4.1-4.2% tại CBBank. Hầu hết các ngân hàng niêm yết trong vùng 2.5 đến 3.5% ở các kỳ hạn tiền gửi dưới 6 tháng này, với các kỳ hạn 6 -11 tháng thấp nhất cũng chỉ ở 3% và phổ biến từ 3.5 -4.5%
Nếu so với mức trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng hiện nay đang nằm ở mốc 4.75% theo quy định, rõ ràng lãi suất mà các nhà băng niêm yết đang thấp hơn rất nhiều. Trước tình hình này, nhà điều hành có thể xem xét giảm thêm lãi suất điều hành, đặc biệt là trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng, như là một cam kết nới lỏng chính sách tiền tệ cũng như đảm bảo công cụ lãi suất điều hành bám sát với thực tiễn thị trường.
Hiện cũng có nhiều cơ sở hỗ trợ cho động lực giảm thêm lãi suất điều hành. Đầu tiên là lạm phát đầu năm vẫn còn ở mức thấp, với chỉ số giá tiêu dùng tháng 01/2024 tăng 3.37% so với cùng kỳ năm 2023; lạm phát cơ bản tháng 01/2024 tăng 2.72%. Tỷ giá USD/VNĐ trong tháng đầu năm có biến động đáng chú ý nhưng có thể chỉ mang tính nhất thời do ảnh hưởng bởi thị trường thế giới.
Nếu so với mức trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng hiện nay đang nằm ở mốc 4.75% theo quy định, rõ ràng lãi suất mà các nhà băng niêm yết đang thấp hơn rất nhiều. Trước tình hình này, nhà điều hành có thể xem xét giảm thêm lãi suất điều hành, đặc biệt là trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng, như là một cam kết nới lỏng chính sách tiền tệ cũng như đảm bảo công cụ lãi suất điều hành bám sát với thực tiễn thị trường.
|
Việc nhiều ngân hàng trung ương (NHTW) trên thế giới có kế hoạch giảm lãi suất trở lại trong năm 2024 này, đơn cử như Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến có 3 lần giảm với tổng mức giảm 0.75%, cũng là yếu tố ủng hộ cho động thái nới lỏng thêm chính sách của NHNN Việt Nam. Ngoài ra, NHTW châu Âu có khả năng sẽ cắt giảm lãi suất trong quý 2 tới. Trong khi đó, NHTW Trung Quốc đã mạnh tay cắt tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) 0.5% xuống còn 10% kể từ ngày 05/02, bên cạnh việc lãi suất liên ngân hàng cũng được giảm xuống.
Vì vậy, giới phân tích cũng cho rằng Việt Nam có thể “đi trước, đón đầu” đà giảm lãi suất của Mỹ và của nhiều NHTW khác thông qua việc giảm lãi suất điều hành ngay trong nửa đầu năm 2024, thậm chí có thể ngay trong quý 1 này, khi mà thanh khoản hệ thống vẫn dồi dào và dòng tiền gửi có thể tiếp tục đổ vào ngân hàng sau Tết do yếu tố mùa vụ.
Theo Chỉ thị 01/CT-NHNN ban hành hồi giữa tháng 01, NHNN cũng đặt ra mục tiêu điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cho vay, tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đặt ra trong năm nay ở 6-6.5%, trong khi nhiều thách thức vẫn đang hiển hiện do căng thẳng địa chính trị khả năng tiếp tục leo thang khiến chuỗi cung ứng trì trệ và đứt gãy, cùng với chính sách tài khóa mở rộng thông qua đẩy mạnh đầu tư công, có lẽ một chính sách tiền tệ nới lỏng hơn nữa là điều mà thị trường đang chờ đợi.
Phan Thụy
FILI
|