Thứ Ba, 26/12/2023 11:02

Sự kiện bất động sản nổi bật năm 2023

Năm 2023, thị trường bất động sản (BĐS) cho thấy vẫn còn không ít vấn đề cần giải quyết, dù được nhiều chuyên gia đánh giá đã qua vùng đáy. Các động thái tích cực tháo gỡ khó khăn của Chính phủ và các Bộ, ban ngành cho thị trường BĐS Việt Nam đã được đưa ra kèm những Nghị quyết quan trọng, kịp thời.

Sau đại dịch COVID-19, diễn biến cuối năm 2022 và suốt năm 2023 cho thấy thị trường BĐS vẫn “rùa bò”, chưa thể hồi phục như kỳ vọng.

Nhiều Nghị quyết tiếp tục được Chính phủ ban hành trong năm nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường như Nghị quyết 31/NQ-CP, Nghị quyết 33/NQ-CP, Nghị quyết 97/NQ-CP… đóng vai trò quan trọng trong điều chỉnh, định hướng, thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Nghị quyết số 33 tập trung vào 6 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm gồm: hoàn thiện thể chế; thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội (NOXH); nguồn vốn tín dụng; vốn trái phiếu doanh nghiệp; tổ chức thực hiện của các địa phương; thông tin, truyền thông khôi phục niềm tin, hỗ trợ thị trường và hoạt động của các doanh nghiệp BĐS.

Nghị quyết số 31/NQ-CP yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với tín dụng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường BĐS…

Bên cạnh đó, Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) cũng được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.

Nhiều cuộc họp của Quốc hội, Chính phủ, cơ quan ban ngành, các hiệp hội, doanh nghiệp BĐS trong suốt năm 2023… nhằm đưa ra giải pháp, chung tay tháo gỡ khủng hoảng cho thị trường BĐS.

Phiên họp thứ 23, ngày 11/05/2023, của Quốc hội đã trao đổi và đưa ra những giải pháp cụ thể, hiệu quả, thiết thực để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS.

Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì ngày 03/08 với thông điệp chung tay tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thị trường BĐS phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh, bền vững. Thủ tướng đề nghị, để gỡ khó cho thị trường BĐS, tập trung vào các vấn đề liên quan tới pháp lý, nguồn vốn, quy hoạch, tài chính, ngân hàng…

Hội nghị trực tuyến do Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng đồng chủ trì, tổ chức ngày 13/11, bàn giải pháp tháo gỡ tín dụng đối với BĐS và phát triển NOXH.

Năm 2023, thị trường BĐS không “nóng sốt” về giá mà “nóng hổi” vì những vụ cháy nổ liên tiếp, đặc biệt là cháy chung cư.

Thống kê từ Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, 11 tháng đầu năm, cả nước có 1,817 vụ cháy, làm chết 136 người, bị thương 107 người, thiệt hại tài sản ước tính hơn 258 tỷ đồng. Trong đó, có 18 vụ cháy chưng cư.

Nhiều người hẳn vẫn chưa hết “bàng hoàng” sau vụ cháy chung cư mini 9 tầng, diện tích chỉ khoảng 200m2 nhưng có đến 45 phòng, 150 người dân sinh sống, tại số nhà 37, ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội. Thảm kịch làm 56 người thiệt mạng và 37 người bị thương.

Cháy nổ năm qua còn diễn ra ở quán karaoke, nhà dân. Nguyên nhân cháy hầu hết do chập điện, những bất cẩn trong quá trình sửa chữa nhà. Cùng với đó là việc tự cơi nới, tìm mọi cách tăng diện tích hoặc bịt kín các lối thoát, xem nhẹ phần không gian đối lưu không khí, lối thoát hiểm khi có sự cố đã dẫn tới hậu quả đau lòng.

Trước hiện thực trên, ngày 05/11, Thủ tướng đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá việc thực hiện Chỉ thị 01/2023 về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới. Thủ tướng yêu cầu thường xuyên rà soát, kiểm tra công tác PCCC và xử lý nghiêm vi phạm. Việc xử lý là không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Ngày 03/04/2023, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 338/QĐ-TTg, phê duyệt đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NOXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp (KCN) giai đoạn 2021 - 2030.

Thống kê từ Bộ Xây dựng, 10 tháng năm 2023, cả nước có 10 dự án NOXH, nhà ở công nhân được khởi công xây dựng mới, bổ sung 19,853 căn hộ. Theo Bộ Xây dựng, đã có 465 dự án NOXH dành cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN được đầu tư, quy mô 412,845 căn hộ trong những năm qua. Nhưng trong số này mới có 46 dự án hoàn thành, với 20,210 căn; 110 dự án đã khởi công xây dựng nhưng chưa hoàn thành tới 100,213 căn; và có đến 309 dự án, quy mô 292,422 căn, mới ở khâu chấp thuận chủ trương đầu tư.

Đối với việc giải ngân gói tín dụng 120,000 tỷ đồng, tính đến hết tháng 10, có 20 tỉnh, thành phố phê duyệt 52 dự án NOXH, nhà ở công nhân đủ điều kiện vay vốn ưu đãi, nhu cầu vay vốn là 25,884 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền giải ngân chỉ được hơn 83/1,095 tỷ đồng.

Nguồn: VBMA

Dẫn số liệu từ HNXSSC, Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, tổng giá trị phát hành TPDN từ đầu năm đến 30/11 là 247,590 tỷ đồng, gồm 28 đợt phát hành ra công chúng trị giá 27,071 tỷ đồng (chiếm 10.9%) và 210 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 220,520 tỷ đồng (chiếm 89.1%). Ngành ngân hàng chiếm đa số với 120,058 tỷ đồng (tương đương 48.6%), theo sau là BĐS với 70,496 tỷ đồng (28.5%).

Áp lực nợ trái phiếu đè nặng lên vai doanh nghiệp BĐS không chỉ hiện tại mà còn đến năm 2024, khi tổng giá trị thanh toán trái phiếu lên tới gần 155 ngàn tỷ đồng. Trong đó, giá trị gốc trái phiếu hơn 122 ngàn tỷ đồng và lãi dự kiến 32.6 ngàn tỷ đồng.

Phương án doanh nghiệp thường chọn để xử lý nợ trái phiếu đến hạn là mua lại trước hạn hoặc thương lượng với trái chủ gia hạn thêm 1 - 2 năm, bên cạnh nâng lãi suất, thay đổi kỳ hạn thanh toán lãi hoặc thanh toán bằng tài sản khác như sản phẩm bất động sản. Một số khác huy động “chữa cháy” để kịp đáo hạn trái phiếu và phát hành liền ngay sau đó với giá trị tương đương khoản trái phiếu vừa tất toán.

Năm 2023 việc nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lớn tham ô, lừa dối khách hàng, chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực BĐS được phơi bày ra ánh sáng.

Gần nhất là vụ Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư LDG Nguyễn Khánh Hưng “Lừa dối khách hàng” tại dự án khu dân cư Tân Thịnh, Trảng Bom, Đồng Nai.

Chủ tịch Tân Hiệp Phát - ông Trần Quí Thanh cùng 2 con gái cũng bị bắt để điều tra hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạt khoảng 767 tỷ đồng.

Lãnh đạo tiếp theo bị gọi tên là ông Đinh Trường Chinh - nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", liên quan đến việc quản lý, sử dụng khu đất số 33 Nguyễn Du và 34, 36, 42 Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM.

Bà Vũ Thị Thúy - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Bất động sản Nhật Nam bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt 8,900 tỷ đồng từ 20,000 cá nhân.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 11 tháng đầu năm 2023, cả nước có hơn 146 ngàn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 6% và gần 55.5 ngàn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 2.5% so với cùng kỳ. Bình quân mỗi tháng có hơn 18 ngàn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Nguồn: MPI

Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 11 tháng là 85.4 ngàn doanh nghiệp, tăng 22%; hơn 57 ngàn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 26%; hơn 16 ngàn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4%. Như vậy, bình quân một tháng có 14.4 ngàn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Tính riêng doanh nghiệp BĐS, dữ liệu từ Tổng cục Thống kê ghi nhận, trong 10 tháng của năm 2023, cả nước có 1,067 doanh nghiệp BĐS giải thể, tăng 9.5% so với cùng kỳ. Trong khi đó, số doanh nghiệp BĐS thành lập mới là 3,850, giảm 50%.

Do ảnh hưởng bởi tình hình thanh khoản trên thị trường BĐS hiện nay, số lượng môi giới đã giảm hơn 70% - còn khoảng hơn 100,000 người hoạt động, theo VARS.

Số liệu từ Tổng Cục thống kê, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam từ đầu năm đến 20/11/2023 đạt gần 29 tỷ USD, tăng 15% so cùng kỳ. Trong đó, vốn đăng ký mới đạt 16.4 tỷ USD, tăng 42%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam trong 11 tháng đạt 20.25 tỷ USD, tăng 3%. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 11 tháng trong 5 năm qua.

Nhiều tập đoàn lớn như Samsung, LG, Lego… tiếp tục chọn Việt Nam làm điểm đến. Tháng 9, Apple (Mỹ) đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam. Tập đoàn Intel mở rộng giai đoạn 2, nhà máy kiểm định chip tại TPHCM với tổng trị giá đầu tư 4 tỷ USD.

Trong năm 2023, Việt Nam có 397 KCN được thành lập với tổng diện tích đất 122,900 ha. Trong đó, 292 KCN đang hoạt động với tổng diện tích đất hơn 87,100 ha, 106 KCN khác đang xây dựng với tổng diện tích đất 35,700 ha. Các KCN trên toàn quốc có tỷ lệ lấp đầy cao trên 80%; trong đó các tỉnh trọng điểm phía Bắc đạt 83% và phía Nam đạt 91%.

Một số khách thuê nước ngoài lớn tại các KCN trong năm 2023

Theo KPMG, tổng giá trị giao dịch M&A trong 10 tháng đầu năm 2023 đạt 4.4 tỷ USD, từ hơn 260 thương vụ. Trong đó, lĩnh vực BĐS đạt khoảng hơn 1 tỷ USD, chiếm 23%. Đáng chú ý, 2 thương vụ M&A được thực hiện với giá trị lên tới hàng trăm triệu USD.

Thương vụ M&A lớn nhất được thực hiện bởi ESR Group Limited (công ty quản lý tài sản), dẫn đầu nhóm nhà đầu tư rót vốn vào CTCP Phát triển Công nghiệp BW (BW Industrial) với giá trị 450 triệu USD vào đầu năm 2023. Tháng 07/2023, Gamuda Land Nam Viet Investment Co. Ltd chi khoảng 316 triệu USD để mua 98% vốn CTCP Bất động sản Tâm Lực, nhằm thâu tóm dự án nhà ở tại TP. Thủ Đức có giá trị phát triển hơn 1 tỷ USD.

Hoạt động M&A 2023 còn sôi động với nhiều thương vụ khác như Tập đoàn Keppel Land rót 70 triệu USD để sở hữu 65% cổ phần một công ty nắm dự án BĐS bán lẻ tại Hà Nội; Công ty TNHH Sycamore (thuộc CapitaLand) đã nhận chuyển nhượng toàn bộ dự án khu đô thị nhà ở phức hợp Tân Thành Bình Dương do Becamex (BCM) làm chủ đầu tư, với giá trị hơn 5 ngàn tỷ đồng.

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, lũy kế 11 tháng đầu năm ước thu nợ đạt 42,312 tỷ đồng. Tổng số tiền thuế nợ ngành thuế quản lý ước tính đến cuối tháng 11 là 163,591 tỷ đồng, tăng gần 3% so với thời điểm ngày 31/10/2023, tăng 11% so với thời điểm ngày 31/12/2022.

Theo danh sách nợ thuế đợt 2/2023 (chốt đến 31/10/2023) do Cục Thuế TPHCM công bố ngày 22/11, có 198 doanh nghiệp nợ thuế với tổng số tiền hơn 8,000 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp BĐS như Tập đoàn Đất Xanh (DXG) nợ nhiều nhất với gần 206 tỷ đồng, Tập Đoàn Danh Khôi (NRC) nợ thuế gần 100 tỷ đồng, Tổng CTCP Địa ốc Sài Gòn (SGR) nợ thuế gần 35 tỷ đồng.

Ở một số địa phương khác cũng cho thấy tình trạng doanh nghiệp nợ thuế do ảnh hưởng từ dịch bệnh, khó khăn chung của nền kinh tế.

Thị trường BĐS trầm lắng, chủ đầu tư khó khăn trong giải ngân vốn, trong đó chủ yếu là tiền sử dụng đất. Đơn cử tại TPHCM, số thu tiền sử dụng đất 10 tháng chỉ được hơn 4.6 ngàn tỷ đồng, đạt chưa tới 37% so với dự toán năm và chưa bằng 40% so với cùng kỳ năm 2022.

Thanh Tú

FILI

Các tin tức khác

>   Phân khúc nào sẽ hút dòng tiền cuối năm 2023? (26/12/2023)

>   Mặt bằng lãi suất thấp được kỳ vọng giúp thị trường bất động sản khởi sắc (26/12/2023)

>   Điều chỉnh giá đất Đà Nẵng 2024, quận nào đắt giá nhất? (26/12/2023)

>   Đồng Nai: Hệ số điều chỉnh giá đất tăng 10% với đất có từ hai mặt tiền trở lên (25/12/2023)

>   ‘Hiến kế’ hạ giá thành bất động sản (25/12/2023)

>   Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi tạo sự bình đẳng giữa người mua và bán (25/12/2023)

>   Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh nêu kiến nghị về Dự thảo Luật Đất đai (24/12/2023)

>   Năm mất việc của nhiều nhân sự bất động sản (23/12/2023)

>   Chung cư tăng giá không ngừng, doanh nghiệp mong tháo gỡ quy định về đất ở (23/12/2023)

>   Cửa ngân hàng đã mở rộng hơn với doanh nghiệp địa ốc (22/12/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật