Thứ Ba, 07/11/2023 11:26

Liên tiếp dính sự cố tai nạn du lịch, dừng nhiều điểm tham quan, Dalattourist kinh doanh ra sao?

Khu du lịch Langbiang ở TP. Đà Lạt - nơi vừa xảy ra tai nạn của nữ du khách Hàn Quốc - đã phải tạm dừng toàn bộ hoạt động tham quan từ 27/10. Trước đó, Dalattourist có giai đoạn kinh doanh khó khăn dưới tác động của đại dịch COVID-19.

Sự cố không mong muốn

Cuối tháng 10, CTCP Du lịch Lâm Đồng (Dalattourist) thông báo dừng mọi hoạt động tham quan tại khu du lịch Langbiang đến khi có thông báo mới.

Dalattourist cũng đồng thời dừng hoạt động khu vực xe trượt và canyoning tại khu du lịch thác Datanla từ 26/10 đến hết ngày 31/10 để bảo trì, nâng cấp hệ thống. Hoạt động tại các khu vực khác của thác Datanla như xe trượt thác 1, hành trình trên cao, zipline… vẫn hoạt động bình thường.

Việc dừng một số hoạt động của Dalattourist diễn ra sau sự việc một nữ du khách Hàn Quốc hơn 60 tuổi đang đi tham quan tại khu du lịch Langbiang không may tử vong, sau khi ngã từ mõm đá ở độ cao khoảng 4m trong lúc chụp ảnh. Khu vực xảy ra sự cố được lắp biển cảnh báo nguy hiểm, hạn chế đi lại.

Đỉnh Langbiang, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Trước đó vài ngày, vào 24/10, lũ bất ngờ đổ về dòng suối ở khu du lịch Làng Cù Lần, thuộc xã Lát, huyện Lạc Dương, khiến 4 du khách Hàn Quốc gặp nạn không qua khỏi. Sau đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo tăng cường công tác quản lý về du lịch trên địa bàn tỉnh đối với việc tổ chức tour du lịch mạo hiểm, dã ngoại; phải rà soát, chấn chỉnh việc tổ chức các hoạt động du lịch, thể thao, vui chơi, giải trí mang tính chất mạo hiểm, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách. Nếu phát hiện sai phạm thì phải đình chỉ hoạt động.

Dalattourist và hệ sinh thái của ông Đặng Quốc Chính

Là một trong những doanh nghiệp hoạt động du lịch lâu đời tại thành phố ngàn hoa, Dalattourist thành lập vào năm 2000, trụ sở chính tại tỉnh Lâm Đồng. Ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động dịch vụ các khu danh lam, thắng cảnh, khu vui chơi, giải trí.

Đầu năm 2014, Dalattourist có vốn điều lệ 135 tỷ đồng, trong đó Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) sở hữu 39.9% (đại diện phần vốn góp là ông Phùng Quý Ngọc và bà Trần Thị Hồng Nhạn), CTCP Dây diện và Phích cắm Trần Phú (chuyển đổi từ Công ty TNHH Thiết bị Điện Hồng Phúc) sở hữu 19.42%, còn lại 40.68% thuộc về nhóm cổ đông khác. Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật là ông Phùng Ngọc Quý.

Tháng 10/2017, vốn điều lệ của Dalattourist đạt 396 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông có sự xuất hiện của Công ty TNHH Quản lý Quỹ Bảo Việt sở hữu 36.7%, CTCP Dây diện và Phích cắm Trần Phú giảm sở hữu còn 17.39%, SCIC giảm về 11.7% (đại diện phần vốn góp là ông Phùng Quý Ngọc), còn lại 34.2% thuộc về nhóm cổ đông khác.

Cuối năm 2021, cơ cấu vốn chủ sở hữu Dalattourist ghi nhận sự góp mặt của Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch An Khang với tỷ lệ sở hữu 52.91% vốn, SCIC 11.7%, Công ty TNHH Thiết bị điện AC 17.39% và CTCP Dây diện và Phích cắm Trần Phú giảm sở hữu còn 17.39%. Chủ tịch của Dalattourist lúc này là ông Đặng Quốc Chính, Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật là bà Nguyễn Thị Kim Giang (đảm nhiệm chức vụ từ giữa năm 2018).

Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch An Khang thành lập ngày 04/12/2018, do ông Đặng Ngọc Anh làm Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật. Trụ sở chính tại số 40 đường Quang Trung, phường 9, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động của các công viên vui chơi và công viên theo chủ đề.

Vốn điều lệ ban đầu của An Khang là 235 tỷ đồng với 3 cổ đông sáng lập là “người một nhà”, đến từ Hà Nội, gồm ông Đặng Quốc Chính sở hữu 92.3%, bà Trần Thanh Hương (vợ ông Chính) 4.3% và ông Đặng Ngọc Anh 3.4%. Tính đến thời điểm thay đổi gần nhất vào tháng 07/2023, vốn điều lệ của An Khang là 333 tỷ đồng; ông Đặng Quốc Chính sở hữu 92.131%, bà Trần Thanh Hương 7.207% và ông Đặng Ngọc Anh 0.661%.

Đến tháng 12/2022, SCIC hoàn tất thoái toàn bộ vốn tại Dalattourist, sau đợt chào bán cạnh tranh cả lô cho một nhà đầu tư, giá đấu thành công gần 138.8 tỷ đồng cho hơn 4.6 triệu cp, tương đương gần 30 ngàn đồng/cp. Thời điểm SCIC thoái vốn, Dalattourist nắm quyền thuê đất của nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng như nhà hàng Thủy Tạ số 1 Yersin TP. Đà Lạt, khu du lịch hồ Tuyền Lâm (khu vườn Nhật Bản), khách sạn Hải Sơn (Nice Dream), khu du lịch Cáp treo đồi Robin, khu du lịch Datanla…

Với vai trò Chủ tịch Dalattourist và sở hữu phần lớn cổ phần tại An Khang, ông Đặng Quốc Chính cho thấy sự chi phối của mình ở những công ty này. Tuy nhiên, hệ sinh thái của ông Chính chưa dừng lại ở đó.

Ông Đặng Quốc Chính sinh năm 1954, có học vị tiến sĩ kinh tế. Ông từng có 17 năm giảng dạy ở Trường đại học Kinh tế Quốc dân (từ năm 1979 - 1996), sau đó ông có 4 năm làm trợ lý Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (từ năm 1996 - 2000).

Từ năm 2008, ông đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Dây điện và Phích cắm Trần Phú, cổ đông lớn và là Tổng Giám đốc CTCP Cơ điện Trần Phú - pháp nhân từng là công ty mẹ của Dây điện và Phích cắm Trần Phú.

*  Cơ điện Trần Phú bị phạt 350 triệu đồng do đại chúng đã hơn 2 năm nhưng không chịu lên UPCoM

Dalattourist cũng nắm 24.96% vốn Cơ điện Trần Phú và 22.49% vốn Dây diện và Phích cắm Trần Phú. Dây điện và Phích cắm Trần Phú là một trong những cổ đông sáng lập Dalattourist nói trên.

Ông Đặng Quốc Chính

Được biết đến nhiều bởi hệ sinh thái Cơ điện Trần Phú, song nền tảng của doanh nhân Đặng Quốc Chính bắt nguồn từ CTCP Khải Toàn Group (KTG Group) - nơi em trai của ông là Đặng Trọng Ngôn giữ vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật. KTG Group thành lập vào năm 1994, ban đầu hoạt động trong lĩnh vực thiết bị chiếu sáng. Sau đó, doanh nghiệp này nhanh chóng trở thành nhà phân phối của các thương hiệu quốc tế, rồi nhượng quyền thương hiệu các sản phẩm điện dân dụng.

Hiện nay, KTG Group có vốn điều lệ 689 tỷ đồng; hoạt động theo mô hình tập đoàn với nhiều công ty thành viên, kinh doanh đa ngành ở các lĩnh vực phân phối thiết bị vệ sinh, sản phẩm văn phòng, thiết bị chiếu sáng, điện tiêu dùng, điện gia dụng, bất động sản, cho thuê nhà xưởng, nhà kho xây sẵn, năng lượng tái tạo. Công ty vừa mới chuyển giao chức Chủ tịch HĐQT từ ông Đặng Trọng Ngôn (sinh năm 1972) sang ông Đặng Trọng Đức (sinh năm 1995) vào giữa tháng 8 năm nay.

Ông Đặng Trọng Ngôn và con trai Đặng Trọng Đức
Trong lĩnh vực bất động sản, Khải Toàn Group sở hữu khách sạn Fusion Suites Danang Beach tại Đà Nẵng. Bên cạnh đó, ông Chính còn tham gia mảng bất động sản nghỉ dưỡng với việc đầu tư vào CTCP Khách sạn Bưu điện Nha Trang (Nha Trang Post) -  Khách sạn Bưu Điện Nha Trang có quy mô 24 tầng với 298 phòng, tiêu chuẩn 4 sao.

Dalattourist kinh doanh ra sao?

Trở lại với Dalattourist, cuối năm 2021, doanh thu thuần đạt 242 tỷ đồng, giảm hơn 38% so với cùng kỳ; tuy nhiên, nhờ doanh thu tài chính tăng, đồng thời cắt giảm chi phí lãi vay, bán hàng, quản lý doanh nghiệp và các chi phí khác đã giúp Công ty lãi ròng 92 tỷ đồng, tăng 15%, đánh dấu mức tăng trưởng lãi ròng đầu tiên sau nhiều năm khó khăn.

Kết quả kinh doanh của Dalattourist giai đoạn 2018 - 2021
(Đvt: Tỷ đồng)

Tổng tài sản của Công ty vào thời điểm cuối năm 2021 ở mức 1,299 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn là các khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết. Mặc dù thoái vốn khỏi CTCP Sao Đà Lạt - Cát Bà và giảm giá trị khoản đầu tư tại CTCP Dây điện và Phích cắm Trần Phú nhưng Công ty lại đầu tư gia tăng vào CTCP Cơ điện Trần Phú, qua đó, tổng giá trị đầu tư không thay đổi nhiều so với cùng kỳ, ghi nhận hơn 808 tỷ đồng và chiếm hơn 62% tổng tài sản.

Ngoài ra, Công ty cũng tích cực đầu tư cổ phiếu một số doanh nghiệp trên sàn chứng khoán như gần 194.4 ngàn cp GEX, 28.8 ngàn cp HJS, gần 1.1 triệu cp REE.

Các khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết của Dalattourist tính đến cuối năm 2021
Nguồn: BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2021 của Dalattourist

Ở phía bên kia bảng cân đối, cơ cấu nguồn vốn của Dalattourist có tỷ lệ vốn chủ sở hữu chiếm đến 82%, ở mức 1,063 tỷ đồng; trong đó, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 564.1 tỷ đồng.

Biến động tài sản của Dalattourist giai đoạn 2018 - 2021 (Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance

Theo Dalattourist giới thiệu, Công ty đang quản lý 4 khu du lịch nổi tiếng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng như khu du lịch Langbiang, thác Datanla, cáp treo đồi Robin, đường hầm Điêu Khắc.

Bên cạnh khu du lịch, Dalattourist còn phát triển hệ thống dịch vụ rộng khắp gồm 8 nhà hàng, 2 cơ sở lưu trú và nhiều hoạt động như zipline xuyên rừng, xe trượt thác 1, giao lưu cồng chiêng, cáp treo Đà Lạt…

Các điểm đến của Dalattourist
Các hoạt động được Dalattourist tổ chức
Các nhà hàng đang được Dalattourist kinh doanh
Các cơ sở lưu trú của Dalattourist

Huy Khải

FILI

Các tin tức khác

>   SD2: Báo cáo tài chính quý 3/2023 (06/11/2023)

>   SCL: Ngày đăng ký cuối cùng lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản (06/11/2023)

>   MCM: Ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức bằng tiền mặt (06/11/2023)

>   LBM: CBTT Nghị quyết HĐQT phiên họp thường kỳ 4 năm 2023 (06/11/2023)

>   HTP: CBTT Nghị quyết HĐQT về việc Triệu tập họp Đại Hội Đồng cổ đông bất thường năm 2023 (06/11/2023)

>   HTP: Thông báo về ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền cổ đông (06/11/2023)

>   BTS: Thông báo về việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023.pdf (06/11/2023)

>   TNG122017: Thông báo ngày đăng ký cuối cùng để nhận trái tức kỳ thứ 6 mã TNG122017 (06/11/2023)

>   PMC: Ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức bằng tiền mặt (06/11/2023)

>   DXG: Nghị quyết HĐQT thông qua việc đăng ký trái phiếu (06/11/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật