Thứ Sáu, 24/11/2023 12:00

Doanh nghiệp bán sữa muốn tặng cầu ngàn tỷ có gì?

Chiếc cầu 1,000 tỷ đồng là số tiền không hề nhỏ, khi doanh nghiệp ngành sữa Nutifood đề xuất tặng cho TPHCM, vậy tiềm lực Nutifood ra sao?

Cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn, nối quận 1 với Thủ Đức được CTCP Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood cam kết tài trợ toàn bộ kinh phí lên đến 1,000 tỷ đồng. Công ty cũng đề xuất tiến độ khởi công dự án vào 30/04/2025 và hoàn thành sau hai năm, tức 30/04/2027.

Dự án được quy hoạch nằm giữa cầu Ba Son và hầm vượt sông Sài Gòn. Chiếc cầu dài 500m được thiết kế theo hình tượng lá dừa nước thực hiện bởi liên doanh Chodai – Takashi Niwa Architects và Chodai Kisojiban Việt Nam, sau khi kết thúc cuộc thi tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc do TPHCM tổ chức.

Phối cảnh cầu đi bộ qua sông Sài Gòn

Khởi nguồn từ một trung tâm dinh dưỡng cho trẻ em

Tiền thân Nutifood là một trung tâm dinh dưỡng cho trẻ em được lập ra bởi nhóm bác sĩ, sau đó phát triển thành CTCP Dinh dưỡng Đồng Tâm (Dotanu Corp) vào ngày 29/03/2000, do 4 cổ đông sáng lập gồm Hội dinh dưỡng TPHCM, Công đoàn Trung tâm dinh dưỡng TPHCM, ông Huỳnh Nam và bà Trần Thị Lệ. Trụ sở chính đặt tại số 281–283 Hoàng Diệu, phường 6, quận 4, TPHCM.

Trần Thị Lệ sinh năm 1973 tại Bình Đinh, tốt nghiệp trường Đại học Y Tây Nguyên. Bà thuộc nhóm các bác sĩ nghiên cứu và lập nên một cơ sở lấy tên là Đồng Tâm (tiền thân của Nutifood) vào những năm 90, chính bà Lệ đảm nhận chức trợ lý cho chủ nhiệm cơ sở Đồng Tâm. Năm 2000, bà Lệ trở thành Giám đốc của cơ sở Đồng Tâm, quy mô doanh nghiệp lúc này còn khá nhỏ và bà cũng đổi tên gọi thành Nutifood. Đến năm 2003, bà trở thành cổ đông lớn nhất của Nutifood, đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc.

Quá trình làm Tổng Giám đốc Nutifood của bà Lệ chia làm hai giai đoạn, đầu tiên từ năm 2000 - 2007; sau đó, Công ty thuê CEO bên ngoài. Đến 25/09/2007, CTCP Kinh Đô và Nutifood hợp tác toàn diện, theo đó Kinh Đô nắm giữ 24.7% cổ phần Nutifood và cùng xúc tiến các hoạt động kinh doanh đa ngành, kể cả bất động sản. Tuy nhiên, cái bắt tay này không mang lại hiệu quả. Năm 2008, kinh tế Việt Nam gặp khó khăn và Nutifood cũng bị ảnh hưởng. Trong năm này, chi phí vận hành đã tăng từ 5 tỷ đồng lên 53.6 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng từ 108.2 tỷ đồng lên 137.2 tỷ đồng. Kết quả, lần đầu tiên sau 8 năm hoạt động, Nutifood lỗ tới 148 tỷ đồng.

Tháng 06/2008, theo yêu cầu của HĐQT, bà Lệ quay lại điều hành Công ty. Năm 2012, doanh nghiệp đổi tên thành CTCP Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood và giữ nguyên cho đến nay.

Năm 2013, sau khi nắm cổ phần kiểm soát, ông Trần Thanh Hải (chồng bà Lệ) trở thành Chủ tịch HĐQT, còn bà Lệ giữ nguyên chức Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật.

Trong lần thay đổi đăng ký kinh doanh gần nhất vào ngày 11/07/2023, Nutifood tăng vốn điều lệ từ 150 tỷ đồng lên 210 tỷ đồng và cơ cấu cổ đông không được công bố.

Vợ chồng ông Trần Thanh HảiTrần Thị Lệ

Doanh nghiệp ngành sữa lấn sân các lĩnh vực khác

Nutifood là doanh nghiệp kinh doanh sữa với nhiều thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng ở nhiều lứa tuổi khác nhau như Nuti GrowPLUS+, Nuvi Grow, NutiZen, Nuti Milk…

Nutifood hiện sở hữu 8 nhà máy, trong đó 6 nhà máy tại Việt Nam gồm Nutifood Hà Nam diện tích 8ha với công suất mỗi năm 200 triệu lít sữa nước, 31,000 tấn sữa bột; Nutifood Hưng Yên 1 diện tích 2ha, sản xuất cho tất cả sản phẩm của tập đoàn; Nutifood Hưng Yên 2 diện tích 12ha chuyên sản xuất các mặt hàng sữa nước, sữa bột pha sẵn, sữa đậu nành với dây chuyền sản xuất đạt công suất 24,000 hộp/giờ; Nutifood Bình Dương 1 diện tích 14ha sản xuất cho tất cả sản phẩm và cà phê với tổng công suất 50,000 tấn sữa bột/năm; Nutifood Bình Dương 2 diện tích 22ha sản xuất cho tất cả sản phẩm của tập đoàn; Nutifood Gia Lai diện tích 7ha sản xuất cho dòng sản phẩm sữa nước với công suất chế biến 500 triệu lít/năm. Hai nhà máy còn lại được đặt tại Singapore và Thụy Điển.

Các nhà máy của Nutifood
Nguồn: Nutifood

Trong quá trình phát triển, Nutifood gây chú ý với các thương vụ đầu tư, hợp tác có thể kể đến như rót 20 tỷ đồng “theo chân” bầu Đức (Chủ tịch HAG ông Đoàn Nguyên Đức) tài trợ cho Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai năm 2013; hay dự án chăn nuôi bò sữa, bò thịt và xây dựng nhà máy chế biến hợp tác cùng CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) và Vissan vào năm 2014. Trong đó, HAGL đầu tư 6,300 tỷ đồng để phát triển đàn bò sữa, Nutifood đầu tư xây nhà máy sữa tươi tại Gia Lai, bao tiêu toàn bộ lượng sữa từ trang trại HAGL.

Bầu Đức (giữa) và đại diện NutiFood, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam ký kết hợp tác phát triển vùng nguyên liệu cho sữa đậu nành

Cuối năm 2017, Nutifood đầu tư chiến lược vào CTCP Cà phê Phước An (UPCoM: CPA), qua đó tiếp quản nông trường cà phê CADA. Tuy nhiên, do hoạt động kinh doanh không hiệu quả nên Nutifood đã thoái sạch 77.31% vốn CPA vào cuối năm 2022.

Nutifood còn đầu tư một doanh nghiệp trên sàn chứng khoán khác là CTCP Đường Quảng Ngãi (UPCoM: QNS) bằng cách trực tiếp mua cổ phiếu và sở hữu gián tiếp thông qua công ty con là Nutifood Bình Dương. Tháng 08/2022, Nutifood trở thành cổ đông lớn của QNS với tỷ lệ sở hữu 5.33%. Sau đó không lâu, Nutifood tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu tại chủ thương hiệu Vinasoy này lên 8.04%.

Ngày 28/10/2022, thời điểm Nutifood có vốn điều lệ 150 tỷ đồng, Công ty góp vốn thành lập Công ty TNHH Đầu tư Nuti (Nuti Invest) và bà Trần Thị Lệ làm Chủ tịch Công ty kiêm Tổng Giám đốc và người đại diện pháp luật. Nuti Invest có vốn điều lệ lên đến 1,700 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực tư vấn quản lý (trừ tư vấn tài chính, kế toán, pháp luật), trụ sở cùng địa chỉ với Nutifood.

Ngày 28/04/2023, Nuti Invest tăng vốn điều lệ lên 1,900 tỷ đồng. Đến ngày 16/08, Nuti Invest tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 3,800 tỷ đồng. Trong đó cho thấy tỷ lệ góp vốn của Nutifood là 50% (tương ứng 1,900 tỷ đồng và lớn gấp 9 lần vốn của Nutifood); còn lại là ông Trần Văn Hà 29.21%, bà Trần Thị Hằng 20.787%, ông Trần Thanh Hải 0.003%.

Đáng lưu ý rằng, trước thời điểm Nuti Invest tăng vốn một ngày, tức ngày 15/08/2023, Nutifood phát sinh liên tiếp ba giao dịch bảo đảm cho khoản vay 1,800 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, HOSE: CTG) – chi nhánh 11 TPHCM. Tài sản thế chấp liên quan đến phần vốn góp của Nutifood tại Nuti Invest và các hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp ngày 14/08/2023 giữa Nutifood ký với ông Trần Văn Hà, bà Trần Thị Hằng.

Đến ngày 11/09, cơ cấu cổ đông tại Nuti Invest có sự thay đổi khi Nutifood giảm sở hữu còn 86.842%, trong khi ông Hải tăng sở hữu lên 13.158% vốn.

Cũng với khoản vay 1,800 tỷ đồng ở VietinBank – chi nhánh 11 TPHCM, Nuti Invest còn có tài sản bảo đảm là gần 36.4 triệu cổ phần, tính theo mệnh giá là gần 363.4 tỷ đồng, tương đương 49% vốn điều lệ CTCP Thực phẩm Đông lạnh Kido (KDF); toàn bộ quyền tài sản phát sinh từ cổ phiếu đó của Nuti Invest tại KDF. Như vậy, nhiều khả năng chính Nutifood (thông qua Nuti Invest) là đối tác nhận chuyển nhượng cổ phần KDF trong đợt Tập đoàn Kido (HOSE: KDC) thoái bớt một phần vốn (hồi tháng 4 năm nay).

Đầu tư nhiều nhưng trích dự phòng cũng chẳng kém

Kết quả kinh doanh của Nutifood không được công bố rộng rãi. Theo Tạp chí điện tử kinh tế công nghệ đưa tin, tính đến cuối năm 2022, tức sau 22 năm hoạt động, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của doanh nghiệp đạt hơn 2.1 ngàn tỷ đồng; tài sản chạm mốc 3.2 ngàn tỷ đồng. Với nhiều hoạt động đầu tư nêu trên, không khó hiểu khi giá trị các khoản đầu tư tài chính lên đến hơn 2.1 ngàn tỷ đồng, chiếm gần 66% tổng tài sản, bao gồm 465 tỷ đồng đầu tư ngắn hạn và 1,639 tỷ đồng đầu tư dài hạn.

Tuy nhiên, kết quả của các khoản đầu tư thời gian gần đây lại đi ngược với “tâm huyết”. Cụ thể, trong 465 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn thì có đến 578 tỷ đồng đầu tư vào QNS, Nutifood đã phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh 113 tỷ đồng.

Đối với đầu tư tài chính dài hạn, Nutifood cũng đã phải trích lập 52.8 tỷ đồng để dự phòng, có thể kể đến vài cái tên như CTCP Thương mại – Dịch vụ Nam Hà, Công ty TNHH MTV Thảo dược Công nghệ cao Nutizen…

Kết quả kinh doanh của Nutifood giai đoạn 2018 - 2022
(Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: Tổng hợp

Huy Khải

FILI

Các tin tức khác

>   BVN: Ký hợp đồng kiểm toán năm 2023 (24/11/2023)

>   C22: Ngày đăng ký cuối cùng lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản (24/11/2023)

>   CC1: Nghị quyết Hội đồng quản trị (24/11/2023)

>   ALV: Ký hợp đồng kiểm toán năm 2023 (24/11/2023)

>   DNE: Nghị quyết Hội đồng quản trị (24/11/2023)

>   TVG: Ký hợp đồng kiểm toán báo cáo tài chính năm 2023 (24/11/2023)

>   Doanh nghiệp in ấn, xuất bản giáo dục trước rủi ro từ giảm giá sách tồn kho (28/11/2023)

>   VNX: Ký hợp đồng kiểm toán báo cáo tài chính năm 2023 (24/11/2023)

>   ATA: Đính chính nghị quyết hội đồng quản trị số 09/NQ-HĐQT/ATA (24/11/2023)

>   QNS: Nghị quyết Hội đồng quản trị (24/11/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật