Thứ Sáu, 28/07/2023 14:41

Chuyển động cổ đông lớn ở SaigonBank Berjaya: Founder ứng dụng Tititada mua hơn 40% vốn

Sau giao dịch ngày 27/07, bà Nguyễn Thị Hương Giang - Nhà sáng lập của ứng dụng đầu tư Tititada đã nắm 40.22% vốn CTCP Chứng khoán SaigonBank Berjaya (SBBS).

Ngày 27/07, cổ đông lớn của Chứng khoán SaigonBank Berjaya là Inter Pacific Securities (Malaysia) đã chuyển nhượng 10.7 triệu cp, đồng thời, một cổ đông cá nhân là ông Phương Anh Phát - Thành viên Ban Kiểm soát cũng bán hết hơn 1.3 triệu cp nắm giữ. Tổng lượng chuyển nhượng là 40.22% vốn của SaigonBank Berjaya.

Nhà đầu tư cá nhân Nguyễn Thị Hương Giang là bên mua vào. Sau giao dịch, bà Giang trở thành cổ đông lớn sở hữu 40.22% vốn tại công ty chứng khoán này.

Giao dịch chuyển nhượng cổ phẩn tại SaigonBank Berjaya ngày 27/07
Nguồn: SaigonBank Berjaya

Cùng ngày, Chủ tịch của SaigonBank Berjaya - ông Nguyễn Hoài Nam cũng bán ra hơn 2 triệu cp tại đây (tương ứng 6.81% vốn). Sau giao dịch, ông Nam chỉ còn giữ 32,000 cp (tương ứng 0.11% vốn). Giao dịch được thực hiện thỏa thuận.

Theo tìm hiểu của người viết, bà Nguyễn Thị Hương Giang sinh năm 1983 có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh và cử nhân kinh tế - tài chính.

Bà Giang từng làm việc ở VinaCapital với vai trò Giám đốc đầu tư và tại Chứng khoán SSI, giữ vị trí trưởng bộ phận ngân hàng đầu tư khu vực miền Nam. Bà cũng từng ngồi ghế Trưởng Ban Kiểm soát tại một số doanh nghiệp như CTCP Chế biến Hàng xuất khẩu Cầu Tre, CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, thành viên Ban Kiểm soát CTCP Vinacafe Biên Hòa. Đáng chú ý, bà Giang cũng chính là nhà sáng lập của ứng dụng đầu tư Tititada. Đây là dự án khởi nghiệp đầu tiên của bà khi gần chạm mốc tuổi 40.

Bà Nguyễn Thị Hương Giang - Nhà sáng lập của Tititada

Tititada tự giới thiệu mình là ứng dụng đầu tư thông minh, tích tiểu thành đại, giúp khách hàng đầu tư với số vốn từ 10,000 đồng và không mất phí môi giới. Ứng dụng ra mắt vào tháng 6/2022 và công bố hoàn thành huy động 1.5 triệu USD tiền đầu tư từ Golden Gate Ventures - quỹ đầu tư thành lập tại thung lũng Silicon và có hơn 10 năm hoạt động ở Đông Nam Á vào tháng 9/2022.

Tititada đang cung cấp dịch vụ giúp nhà đầu tư có thể đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, từ 10,000 đồng, nhờ cho phép mua cổ phiếu phân mảnh (dưới 1 cổ phiếu). Theo thông tin từ website, nhà đầu tư có thể nạp và rút tiền nhanh chóng, số dư tiền mặt được lưu trữ tại các ngân hàng đối tác. Ứng dụng này đang hợp tác chiến lược cùng Chứng khoán VPBank.

Động thái trở thành cổ đông lớn tại SaigonBank Berjaya của bà Giang gợi nhớ về Finhay mua CTCP Chứng khoán Vina (VNSC). Đầu năm 2022, Finhay chính thức hoàn thiện thủ tục mua lại công ty chứng khoán này và được ghi nhận sở hữu. Tháng 2/2022, ông Nghiêm Xuân Huy - Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của CTCP Finhay Việt Nam chính thức là Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của VNSC.

Hồi cuối năm 2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) từng phát đi cảnh báo về các website, ứng dụng đầu tư tài chính. Cụ thể, một số doanh nghiệp đã thiết lập các website, ứng dụng giao dịch (Tititada, Anfin, Infina,…) sử dụng công cụ truyền thông, báo chí quảng bá cho sản phẩm, dịch vụ của mình để huy động vốn của các nhà đầu tư dưới hình thức hỗ trợ nhà đầu tư đặt lệnh giao dịch chứng khoán, có dấu hiệu hoạt động kinh doanh chứng khoán mà không được UBCK cấp phép, quản lý, giám sát theo quy định của pháp luật về chứng khoán. Nhà đầu tư có thể gặp rủi ro khi có tranh chấp xảy ra mà không được pháp luật về chứng khoán bảo vệ quyền và lợi ích của mình.

Có thể thấy, động thái sở hữu công ty chứng khoán là bước đi để hoàn thành pháp lý của các ứng dụng đầu tư tài chính. Ở trường hợp của Finhay, đơn vị này cho biết tiếp quản VNSC đồng thời sẽ giúp nâng cao mức độ bảo hộ pháp lý cho các sản phẩm được cung cấp, cũng như bảo vệ quyền lợi của người dùng một cách chặt chẽ và hiệu quả hơn.

Trước khi sở hữu công ty chứng khoán, khi khách hàng của Finhay thực hiện mua/bán sản phẩm tài chính thông qua ứng dụng Finhay, tài sản sẽ được thực hiện ủy thác quản lý danh mục đầu tư cho công ty quản lý quỹ đối tác của Finhay là CTCP Quản lý quỹ Thiên Việt. Sau khi mua VNSC, Finhay đã thực hiện chuyển giao các sản phẩm tài chính sang công ty chứng khoán này. Tài sản của người dùng sau quá trình chuyển đổi sẽ được giao dịch và quản lý bởi VNSC.

Nói về SaigonBank Berjaya, công ty chứng khoán này được thành lập từ năm 2008. Tới cuối quý 2/2023, vốn điều lệ là 300 tỷ đồng, cổ đông lớn gồm 3 tổ chức là Inter Pacific Securities, Công ty TNHH Một thành viên Du lịch Thương mại Kỳ Hòa và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (SaigonBank). Công ty từng là nạn nhân trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (2007 - 2011) với thiệt hại 210 tỷ đồng. Hiện tại, Công ty vẫn ghi nhận dự phòng hơn 200 tỷ đồng đối với khoản phải thu từ Huỳnh Thị Huyền Như.

Danh sách cổ đông lớn của Saigon Berjaya thời điểm 30/06/2023

Yến Chi

FILI

Các tin tức khác

>   VietBank được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ lên mức 5,780 tỷ đồng (28/07/2023)

>   Một doanh nghiệp sách trả cổ tức và thưởng cổ phiếu tổng tỷ lệ 28.5%, cổ phiếu giảm sàn 3 phiên liên tiếp (28/07/2023)

>   IDV: Thông báo phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong Công ty ESOP 2023 (27/07/2023)

>   Bánh bao Thọ Phát nâng mạnh vốn điều lệ trước khi bán cho KIDO? (27/07/2023)

>   M&A bất động sản: Cuộc chơi trong tay nhà đầu tư ngoại (28/07/2023)

>   DBT: Thông báo giao dịch cổ phiếu ESOP của Người nội bộ Nguyễn Khắc Hanh (24/07/2023)

>   Thị giá tăng 27% sau 2 tháng, lãnh đạo TNT lần lượt thoái vốn (24/07/2023)

>   Vinam sắp góp thêm 20 tỷ cho công ty con từ nguồn tiền thoái vốn một công ty chế biến thịt? (21/07/2023)

>   DBT: Thông báo giao dịch cổ phiếu ESOP của Người nội bộ Phạm Thứ Triệu (20/07/2023)

>   DBT: Thông báo giao dịch cổ phiếu ESOP của Người nội bộ Lê Thanh Vũ (20/07/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật