Chủ Nhật, 16/04/2023 07:02

Chuyển biến tích cực kích hoạt dòng tiền trở lại thị trường chứng khoán

Dòng tiền của nhà đầu tư sẽ dần trở lại với thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong bối cảnh lãi suất và chi phí cơ hội giảm, điều kiện tín dụng dần nới lỏng, các giải pháp nâng cao chất lượng thị trường của cơ quan quản lý được triển khai, theo các chuyên gia.

Dù có chuỗi 3 tuần tăng điểm liên tiếp trước khi trải qua tuần điều chỉnh (10-4 – 14-4), nhưng dường như dòng tiền lớn (từ nhà đầu tư tổ chức) chưa trở lại với TTCK Việt Nam khi dòng tiền không có sự cải thiện đáng kể và chỉ tập trung vào nhóm cổ phiếu đầu cơ. Ngoài ra, động thái liên tục bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài (khối ngoại) những tuần gần đây cũng gây áp lực đáng kể lên thị trường, khiến nhịp tăng vừa qua diễn ra khá ngắn và không thực sự mạnh mẽ về mức tăng của các chỉ số.

Bối cảnh hiện tại đòi hỏi các chính sách hỗ trợ và điều hành mang tính bước ngoặt từ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), cũng như nhiều bộ, ngành liên quan để chỉ số VnIndex có thể tạo đáy dài hạn và sớm thu hút dòng tiền lớn quay lại thị trường.

Dòng tiền đầu tư chỉ thực sự gắn bó lâu dài với thị trường chứng khoán khi chất lượng các sản phẩm trên thị trường được nâng cao. Ảnh minh hoạ: Lê Vũ

Những tín hiệu tích cực ban đầu

Những dấu hiệu chuyển biến tích cực dần xuất hiện trên thị trường khi chỉ số VnIndex đã tăng khoảng 3% với nhiều phiên tăng điểm liên tục tính riêng từ giữa tháng 3-2023 đến ngày 7-4, sau 2 quyết định hạ lãi suất điều hành của NHNN.

Cụ thể, bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng TTCK Việt Nam đang cho thấy nền tảng khá vững khi chỉ số VnIndex vượt qua biến động trong tháng 2, tăng lại 3,9% trong tháng 3 và kết thúc quý 1-2023 với tăng trưởng 5,7%.

Yếu tố chính tạo ra diễn biến tích cực trên TTCK, theo SSI Research, là các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế và thị trường tài chính được đồng loạt đưa ra, cùng những thông tin tích cực từ dòng tiền của khối ngoại. Đặc biệt hơn, thị trường đã đón nhận hai lần hạ lãi suất của NHNN vào giữa và cuối tháng 3 với mức giảm không quá lớn (0,5%), nhưng lại thể hiện một thông điệp mạnh mẽ về việc giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, thị trường cũng đón nhận những thông tin liên quan đến Nghị định 08/2023 của Chính phủ và dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 16/2021 của NHNN liên quan tới thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN); Nghị quyết 33/2023 của Chính phủ đưa ra một loạt các giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản. Đồng thời, Chính phủ cũng đưa ra kế hoạch xây dựng hơn 1 triệu nhà ở xã hội với mức lãi suất 8,2% cho người vay mua nhà.

“Đây là những bước đi cực kỳ linh hoạt từ Chính phủ khi số liệu vĩ mô đưa ra trong quý 1-2023 cho thấy thách thức còn ở phía trước”, SSI Research đánh giá.

Bên cạnh những tín hiệu từ nội tại nền kinh tế, TTCK Việt Nam cũng đón nhận thông tin tích cực từ quốc tế khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định điều chỉnh tăng lãi suất thêm 0,25% tại cuộc họp ngày 22-3.

Bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Giám đốc Phòng Phân tích và đầu tư thuộc Công ty chứng khoán An Bình (ABS), cho rằng đây là mức tăng hợp lý vì vẫn theo sát lộ trình chống lạm phát, trong khi có tính đến điều kiện thị trường tài chính, ngân hàng và việc làm. Sau lần tăng này, lãi suất cho vay qua đêm của FED dao động trong ngưỡng 4,75-5%.

Ngoài ra, một tín hiệu tích cực từ phát biểu của ông Jerome Powell, Chủ tịch FED, là thay vì tăng lãi suất liên tục thì tổ chức này sẽ kết hợp các công cụ chính sách bổ sung phù hợp khác nhằm ổn định lạm phát. Điều này cho thấy một động thái mềm mỏng hơn so với các tuyên bố trước đây của chính tổ chức này.

“Sắp tới FED sẽ cân nhắc thêm nhiều yếu tố khác để ra quyết định”, bà Linh dự báo.

Với bối cảnh trên, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng NHNN có nhiều lý do để tiếp tục xu hướng nới lỏng và nhiều khả năng sẽ có thêm đợt hạ lãi suất trong nửa cuối năm 2023.

Cơ sở để KBSV đưa ra dự báo này là xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ trên thế giới dần đi đến hồi kết trước các rủi ro gồm suy thoái kinh tế, đổ vỡ của hệ thống tài chính toàn cầu. Ngoài ra, thị trường kỳ vọng FED sẽ hạ lãi suất tại kỳ họp tháng vào 7-2023.

Theo đó, xu hướng hạ nhiệt của đô-la Mỹ (tham chiếu theo chỉ số DXY) sẽ được tiếp tục duy trì, giúp giải tỏa áp lực tỷ giá và tạo điều kiện cho NHNN thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng như hạ lãi suất, mua vào dự trữ ngoại hối.

Cùng với đó, lạm phát của Việt Nam kỳ vọng đã qua vùng đỉnh và tiếp tục xu hướng giảm, tương đồng với xu hướng hạ nhiệt nhanh của lạm phát toàn cầu trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ suy yếu và vấn đề tắc nghẽn chuỗi cung ứng giai đoạn Covid-19 dần được khắc phục.

Các chuyên gia của KBSV cho rằng TTCK Việt Nam sẽ hưởng lợi từ động thái hạ lãi suât, nhưng xu hướng tăng sẽ không quá mạnh như giai đoạn 2020-2021, khi NHNN điêu chỉnh giảm lãi suất từ 6,5% xuống 4% do ảnh hưởng bởi Covid-19.

Kỳ vọng những yếu tố mang tính bước ngoặt

Đánh giá về TTCK Việt Nam giai đoạn này, SSI Research cho rằng dù không quá lạc quan, nhưng thị trường cũng không quá tiêu cực. Theo đó, những thách thức với thị trường trong ngắn hạn sẽ là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư dài hạn.

“Trong quá khứ nếu chúng ta lấy mốc đỉnh lãi suất của Việt Nam ở giai đoạn 2011 và đỉnh lãi suất của Mỹ giai đoạn 2007 để tham chiếu, thì đáy của TTCK vẫn sẽ có một độ trễ nhất định. Độ trễ này xuất hiện là bởi thị trường cần chờ xem những động thái hỗ trợ và mặt bằng lãi suất đã đủ để nền kinh tế, doanh nghiệp hấp thụ được và quay lại với đà tăng trưởng chưa”, SSI Research phân tích và cho rằng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn kế tiếp của Chính phủ sẽ là động lực giúp TTCK diễn biến tích cực hơn.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường thuộc Công ty Chứng khoán VNDirect, cho rằng lãi suất huy động giảm giúp TTCK dần trở nên hấp dẫn hơn.

Theo chuyên gia của VNDirect, chỉ số giá trên thu nhập (P/E) của VnIndex trung bình trong tháng 3 khoảng 8,6%. Khoảng cách giữa P/E và lãi suất tiền gửi ngân hàng kỳ hạn 12 tháng mở rộng trong tháng 3 khi lãi suất huy động giảm nhưng TTCK vẫn nằm trong xu hướng đi ngang. Việc này đồng nghĩa kênh đầu tư chứng khoán dần trở nên hấp dẫn hơn so với kênh tiền gửi.

“Chính sách tiền tệ nới lỏng và lãi suất thị trường giảm là tín hiệu đầu tiên cho sự dịch chuyển của TTCK từ suy thoái sang phục hồi. Nhìn lại quá khứ, TTCK Việt Nam diễn biến khá tích cực sau khi NHNN hạ lãi suất điều hành” chuyên gia của VNDirect cho biết.

Bà Nguyễn Thị Thùy Linh cũng dự báo chỉ số VnIndex tiếp tục nhịp hồi phục trong tháng 4-2023 và dao động trong khoảng 1.140-1.160 điểm ở giai đoạn tháng 4 – đầu tháng 5.

Về thanh khoản, chuyên gia này cho biết thanh khoản thị trường tháng 4 ước tăng 10-20% so với tháng 3 với dòng tiền từ các quỹ ETF ngoại, nhất là quỹ Fubon ETF, sẽ dẫn dắt dòng tiền của nhà đầu tư trong nước.

“Các mã cổ phiếu mà quỹ ETF tập trung giải ngân thường có vốn hoá lớn nên được kỳ vọng có ảnh hưởng tích cực và dẫn dắt thị trường”, bà Linh phân tích.

Các chuyên gia của Công ty chứng khoán Phú Hưng (PHS) cũng cho biết thanh khoản của thị trường có thể sẽ được cải thiện hơn trong năm 2023, sau khi FED giảm tốc độ tăng lãi suất cùng với việc hệ thống tài chính Việt Nam được kỳ vọng sẽ ổn định trở lại. Theo đó, giá trị giao dịch bình quân trên cả hai sàn HOSE và HNX có thể đạt mức 21.191 tỉ đồng mỗi phiên trong năm 2023.

Thanh khoản và các chỉ số trên thị trường được cải thiện trong ngắn hạn nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng hơn của các ngân hàng trung ương, nhưng để thị trường phục hồi trong trung – dài hạn, các chuyên gia cho rằng cần có dòng tiền lớn và chính sách mang tính bước ngoặt từ Chính phủ, NHNN, cũng như nhiều bộ, ngành liên quan.

Về lãi suất, bà Nguyễn Thị Thuỳ Linh cho biết Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã giảm lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ nền kinh tế, khiến các ngân hàng thương mại cũng đồng loạt giảm lãi suất huy động. Mức giảm dù chưa nhiều, nhưng lãi suất cho vay với những khoản mới phát sinh cũng đã giảm tương ứng.

Để lãi suất giảm về mức có thể giúp phần lớn doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh, bà Linh cho rằng cần thêm giải pháp từ các bộ, ngành khác để tăng tốc độ giải ngân đầu tư công, hỗ trợ thị trường bất động sản, giải quyết nút thắt trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp…

“Đây là các vấn đề tác động tới thanh khoản, nợ xấu, chi phí vốn của hệ thống ngân hàng. Khi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp được cải thiện thì thị trường sẽ đón nhận nhiều tin tốt và kỳ vọng dòng tiền sẽ quay trở lại thị trường mạnh mẽ”, bà Linh cho biết.

Bên cạnh các giải pháp về tài khoá – tiền tệ, các cơ quan quản lý cũng tích cực triển khai giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán để thu hút dòng vốn đầu tư dài hạn.

Ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế thuộc UBCKNN, cho biết cơ quan này đã báo cáo Bộ Tài chính một số giải pháp để tháo gỡ hai vướng mắc chính trong đánh giá tiêu chí nâng hạng là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch và tỷ lệ sở hữu nước ngoài.

Với yêu cầu ký quỹ trước giao dịch, hiện Việt Nam vẫn quy định phải đảm bảo đủ tiền và chứng khoán trước giao dịch theo các quy định tại Thông tư 120/2020 của Bộ Tài chính, trong khi yêu cầu của các tổ chức xếp hạng thì không yêu cầu ký quỹ trước giao dịch. Do đó, phương án tháo gỡ được đặt ra thông qua việc triển khai mô hình đối tác bù trừ thanh toán trung tâm (CCP) cho thị trường cơ sở và dần tiến tới giảm ký quỹ trước giao dịch.

Hiện Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) và UBCKNN đã chuẩn bị 2 mô hình xây dựng CCP cho thị trường cơ sở. Trong đó mô hình 1 là khi ngân hàng lưu ký (NHLK) được chấp thuận là thành viên bù trừ (TVBT), mô hình 2 là khi NHLK không được chấp thuận là TVBT.

“Thời gian qua, UBCKNN và VSDC đã làm việc với các cơ quan liên quan để có các trao đổi kỹ thuật chi tiết để tháo gỡ vướng mắc về quy định ký quỹ”, ông Dũng nói.

Với tỷ lệ sở hữu nước ngoài, ông Dũng cho biết giải pháp được đưa ra là quy định rõ phương pháp xác định giới hạn sở hữu nước ngoài (room ngoại – PV)với từng ngành nghề kinh doanh. Trong đó, quy định rõ danh mục ngành nghề kinh doanh tương ứng với tỷ lệ sở hữu nước ngoài đang được quy định cụ thể trong các điều ước quốc tế và luật chuyên ngành.

Tuy nhiên, các giới hạn về sở hữu nước ngoài không chỉ thuộc thẩm quyền của UBCKNN mà cần sự phối hợp nghiên cứu và giải quyết giữa các bộ, ngành khác nên cơ quan này đã tổ chức một số cuộc họp với các tổ chức xếp hạng, thành viên thị trường, và các cơ quan quản lý để trao đổi đưa ra các phương án xử lý.

Cũng theo đại diện UBCKNN, để tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia, một trong những giải pháp trước mắt là triển khai chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) – một giải pháp “nới room” gián tiếp.

“Việc quy định NVDR để giúp các nhà đầu tư nước ngoài muốn giao dịch cổ phiếu của các công ty đại chúng đã hết ‘room ngoại’ hoặc thuộc ngành nghề có điều kiện”, ông Dũng nhấn mạnh.

Bên cạnh các giải phá trên, ông Dũng cho biết giải pháp triển khai cổng công bố thông tin giao dịch ngoài biên độ của nhà đầu tư nước ngoài với các cổ phiếu đã hết “room ngoại” cũng đang được nghiên cứu. Đây là giải pháp cung cấp các thông tin về các giao dịch ngoài biên độ của nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cả thông tin về giá, theo sát với thời gian thực.

Hiện FTSE Russell, một trong ba tổ chức xếp hạng thị trường vốn, vẫn giữ nguyên Việt Nam ở lại nhóm thị trường cận biên (Frontier) và tiếp tục nằm trong danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 (Secondary Emerging market).

Theo FTSE Russell, Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được tiêu chí “Chu kỳ thanh toán (DvP)” khi đang bị xếp ở mức “hạn chế”. Điều này là do thông lệ thị trường thực hiện kiểm tra trước giao dịch để đảm bảo sự sẵn có về vốn trước khi thực hiện giao dịch.

Ngoài ra, quy trình đăng ký mở mới tài khoản cần phải được cải thiện hơn nữa, vì các thủ tục hiện tại có thể dẫn đến việc kéo dài thời gian đăng ký; đồng thời cần có những cơ chế tạo điều kiện hơn cho nhà đầu tư nước ngoài giao dịch chứng khoán đã hết “room”.

Bên cạnh đó, tổ chức này chưa thấy được tiến triển rõ ràng với mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP), dù có lưu ý rằng các cơ quan quản lý và các nhóm làm việc về thị trường địa phương đã trao đổi với nhau.

Vân Phong

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Dòng tiền săn tìm doanh nghiệp trả cổ tức ‘khủng’? (15/04/2023)

>   BT6: Thông báo về trạng thái chứng khoán (07/12/2023)

>   PID: Quyết định về việc duy trì diện hạn chế giao dịch (07/12/2023)

>   GTT: Quyết định về việc duy trì diện hạn chế giao dịch (07/12/2023)

>   KAC: Quyết định về việc duy trì diện đình chỉ giao dịch (07/12/2023)

>   KAC: Quyết định về việc duy trì diện hạn chế giao dịch (07/12/2023)

>   GTT: Quyết định về việc đưa vào diện đình chỉ giao dịch (07/12/2023)

>   KAC: Thông báo về trạng thái chứng khoán của cổ phiếu KAC trên hệ thống giao dịch UPCoM (07/12/2023)

>   PX1: Quyết định về việc đưa vào diện đình chỉ giao dịch (07/12/2023)

>   GTT: Thông báo về trạng thái chứng khoán (07/12/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật