Thứ Ba, 29/09/2020 08:58

Vòng xoáy nợ nần giữa Trung Quốc và các nước châu Phi

Zambia và nhiều quốc gia châu Phi khác lao vào vòng xoáy nợ khi vay nóng hàng tỷ USD từ Trung Quốc trong Sáng kiến Vành đai và Con đường nhưng không đủ khả năng trả nợ.

Theo South China Morning Post, mới đây chính phủ Zambia, một quốc gia ở phía nam châu Phi vừa yêu cầu tạm hoãn trả nợ thêm 6 tháng đối với khoản vay trái phiếu nước ngoài trị giá 3 tỷ USD mà nước này đã vay trong các dự án xây dựng thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Bộ Tài chính Zambia cho biết đất nước đang đối mặt với tình hình kinh tế và tài chính hết sức khó khăn và cần thêm thời gian để thống nhất kế hoạch tái cơ cấu. Quốc gia phía nam châu Phi đã tìm kiếm hỗ trợ tài chính trị giá 1,3 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và đã nộp đơn gia nhập Sáng kiến Đình chỉ Dịch vụ Nợ G20 (DSSI). Mặt khác, Lusaka (thủ đô Zambia) cũng tiến hành đàm phán hoãn nợ với các chủ đầu tư cá nhân.

Trung Quốc khó khăn thu hồi nợ xấu từ các nước châu Phi ảnh 1
Zambia xin hoãn trả nợ thêm 6 tháng vì tình hình kinh tế khó khăn. Ảnh: AP.

Trả lời về vấn đề này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hai nước đang tiến hành đàm phán. “Chúng tôi hiện tham gia vào các cuộc thảo luận thân thiện với Zambia và Trung Quốc sẽ cố gắng hết sức để hỗ trợ Zambia vượt qua những khó khăn do Covid-19 gây ra”, đại diện ngoại giao Trung Quốc nói.

Con nợ gặp khó thì chủ nợ cũng lao đao. Các nhà phân tích nhận định Trung Quốc, với tư cách chủ nợ cá nhân lớn nhất Zambia, sẽ chịu áp lực tái cơ cấu các khoản vay khá lớn. Trước đó, Trung Quốc đã nhiều lần tái cấu trúc hoặc xóa nợ cho các quốc gia châu Phi khác như Congo, Sudan và Ethiopia bởi những nước này không có khả năng trả nợ.

Chủ nợ lao đao

Theo Sáng kiến Vành đai và Con đường, Bắc Kinh đã tài trợ hàng trăm tỷ USD cho các quốc gia châu Phi xây dựng đường xá, hệ thống đường sắt và nhà máy thủy điện trên khắp châu lục. Tuy nhiên, với dịch Covid-19 tàn phá nặng nề các nền kinh tế đang phát triển, Trung Quốc đối mặt với thách thức tài chính mới: nguy cơ không đòi được nợ từ các nền kinh tế đã khánh kiệt sau đại dịch.

Ông Mark Bohlund, chuyên gia phân tích tín dụng tại công ty Redd Intelligence, cho biết Zambia vay nặng lãi từ Trung Quốc và các bên cho vay thương mại khác. Hiện tại, Trung Quốc nắm giữ xấp xỉ 50%, tức khoảng 6,5 tỷ USD trong tổng số 11,2 tỷ USD nợ nước ngoài của quốc gia châu Phi này.

Theo nghiên cứu của Đại học Johns Hopkins (Washington), từ năm 2000 đến 2018 chính quyền Zambia đã vay 9,7 tỷ USD để xây các dự án cơ sở hạ tầng bao gồm đường xá, cầu cống, đập thủy điện và sân bay. Trong đó, phần lớn khoản vay đến từ Trung Quốc. Quốc gia phía nam châu Phi từng kêu gọi cứu trợ tài chính từ IMF từ năm 2014 nhưng thất bại vào năm 2018 sau khi quỹ nhận định Lusaka vay nhiều nhưng không có khả năng trả nợ.

Trung Quốc khó khăn thu hồi nợ xấu từ các nước châu Phi ảnh 2
Tổng thống Zambia Edgar Lungu và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau tại Bắc Kinh năm 2018. Ảnh: AP.

Zambia tiếp tục cầu cứu Bắc Kinh trong bối cảnh doanh thu khai thác đồng sụt giảm nghiêm trọng. Quặng đồng chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu của quốc gia này. Lusaka đã rơi vào vòng xoáy nợ trong nhiều năm qua vì các chính sách chính trị thiếu bền vững chi phối nền kinh tế.

Ông Bohlund cũng dự đoán Trung Quốc có thể sẽ hoãn nợ cho Zambia, nhưng khó thể đồng ý xóa nợ trừ khi Lusaka cắt giảm các khoản vay thương mại. "Zambia đã được chấp thuận gia nhập DSSI vào tháng trước. Trung Quốc cũng là một thành viên của tổ chức này. Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ đồng ý hoãn nợ", ông nói.

Chuyên gia kinh tế toàn cầu tại ngân hàng đầu tư Renaissance Capital, ông Charles Robertson, cho biết Trung Quốc có thể sẽ “chịu thêm cú hích" đối với các khoản vay của châu Phi. Trước Zambia, Trung Quốc từng lao đao tái cơ cấu nợ cho các quốc gia châu Phi khác gồm Ethiopia và thêm một khoản vay khác có khả năng cao không đòi được từ Angola.

Chính quyền Bắc Kinh đã nhận được hơn 20 yêu cầu hoãn nợ kể từ khi DSSI được thông qua. Trong đó, nền kinh tế lớn nhất châu Á đã đạt được thỏa thuận với hơn 10 quốc gia, nguồn tin cho biết.

Bùi Ngọc

ZING

Các tin tức khác

>   Dầu tăng giá bất chấp những lo ngại về nhu cầu (29/09/2020)

>   Vàng thế giới khởi sắc khi đồng USD suy yếu (29/09/2020)

>   Thành viên BTS có thể sở hữu 55 triệu USD khi công ty quản lý IPO (27/09/2020)

>   1.000 tỷ NDT rời Trung Quốc, chảy vào cờ bạc và cá độ mỗi năm (26/09/2020)

>   ECB: Các ngân hàng cần chuẩn bị cho cú sốc từ kịch bản 'Brexit cứng' (26/09/2020)

>   Dầu sụt gần 3%/tuần (26/09/2020)

>   Vàng thế giới chứng kiến tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020 (26/09/2020)

>   Sở hữu 3.400 tỷ USD, các nhà đầu tư mua tài sản trong dịch Covid-19? (25/09/2020)

>   Dầu tăng 3 phiên liên tiếp trước dấu hiệu nguồn cung thắt chặt (25/09/2020)

>   Vàng thế giới có phiên tăng đầu tiên trong 4 phiên (25/09/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật