Thứ Năm, 10/09/2020 09:00

Nỗi lo của các doanh nghiệp xuất khẩu

Dù theo cách nào, để tiền đồng tăng giá hoặc bị áp thuế thương mại, hoạt động xuất khẩu vào thị trường Mỹ nói chung khó tránh khỏi bị ảnh hưởng tiêu cực, trong đó những doanh nghiệp đang xuất khẩu hàng đầu vào Mỹ sẽ bị ảnh hưởng trước nhất, đặc biệt ở nhóm ngành thủy sản, cao su, dệt may,…

Ảnh minh họa

Tỷ giá liên tiếp giảm

Một diễn biến hiếm thấy đã xuất hiện gần đây, đó là tỷ giá trung tâm USD/VNĐ do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết đã liên tục đi xuống trong hơn 3 tháng gần đây. Cụ thể, sau khi giảm 32 đồng trong tháng 6, tỷ giá trung tâm tiếp tục giảm thêm 16 đồng trong tháng 7 và 13 đồng trong tháng 8. Theo đó, tỷ giá trung tâm chỉ còn tăng xấp xỉ 0.2% so với đầu năm nay, cách rất xa mục tiêu 2% đặt ra trong nhiều năm qua.

Nói đây là diễn biến lạ bởi vì trong bối cảnh giá giao dịch USD tại các ngân hàng lẫn trên thị trường tự do vẫn khá ổn định, nhưng tỷ giá trung tâm của NHNN lại có những bước giảm liên tiếp đáng chú ý. Cập nhật đến ngày 09/9, tỷ giá trung tâm chỉ còn 23,203, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 3 đến nay. Cơ chế tính tỷ giá trung tâm hiện nay có tham chiếu đến 8 đồng tiền có tỷ trọng đầu tư lớn đối với Việt Nam, trong đó chủ yếu là USD, do đó trước xu hướng đồng USD trên thị trường thế giới giảm sâu từ tháng 5 đến nay đã ảnh hưởng kéo tỷ giá trung tâm đi xuống.

Ngoài ra, nguồn cung ngoại tệ tiếp tục dồi dào từ hoạt động thương mại cũng như đầu tư đã góp phần gây áp lực tăng giá lên tiền đồng. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy xuất siêu 8 tháng qua là 11.9 tỷ USD, vốn FDI giải ngân là 11.4 tỷ USD, còn vốn đầu tư gián tiếp là 4.9 tỷ USD. Như vậy, riêng hoạt động thương mại và đầu tư đã ghi nhận hơn 28 tỷ USD chảy vào trong nước trong 8 tháng qua, chưa tính đến nguồn tiền từ kiều hối.

Ở phía cầu ngoại tệ, nhu cầu vay của các doanh nghiệp cũng không còn cao như giai đoạn trước đây. Đối với những doanh nghiệp xuất khẩu, đơn hàng sụt giảm, giao thương trì trệ nên nhu cầu vay rất thấp hoặc thậm chí không có. Trong khi đó, những doanh nghiệp nhập khẩu đã bị hạn chế vay vốn ngoại tệ, với những doanh nghiệp có đủ điều kiện vay thì cũng không có nhu cầu vay trong bối cảnh hiện nay, khi hoạt động nhập khẩu cũng sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ.

Hệ quả gì?

Áp lực tiền đồng tăng giá sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đầu tiên lên hoạt động xuất khẩu, vốn đang gặp khá nhiều thách thức để duy trì đà tăng trưởng. Dù chịu nhiều tác động bất lợi từ dịch bệnh, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam 8 tháng đầu năm nay tăng trưởng 1.6%, là một trong số ít quốc gia vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dương, góp công lớn vào thành tích xuất siêu kỷ lục.

Tuy nhiên, nếu tiền đồng tiếp tục tăng giá so với USD, lợi thế các mặt hàng cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị suy giảm là điều có thể thấy trước, trong bối cảnh các nước đều đang ra sức nới lỏng tiền tệ để kích thích kinh tế, từ đó tự làm suy yếu đồng nội tệ của mình. Chính vì vậy, động thái mua ròng ngoại tệ mạnh mẽ trong những tuần gần đây của NHNN được xem là giải pháp ngăn chặn đà mạnh lên của tiền đồng.

Mới đây, Bộ Tài chính Mỹ một lần nữa cảnh báo Việt Nam thao túng tiền tệ, khi định giá đồng VNĐ thấp hơn 4.7% so với USD trong năm 2019. Đáng lưu ý, một trong những cơ sở của cáo buộc này là việc Chính phủ đã can thiệp vào thị trường ngoại hối bằng cách mua USD hơn 2% GDP, với con số mua vào lên đến 22 tỷ USD trong năm 2019.

Trước diễn biến này, nhiều ý kiến cho rằng NHNN khó có thể tiếp tục mua vào ngoại tệ trong giai đoạn tới, đồng nghĩa với việc chấp nhận cho tiền đồng lên giá so với USD, mà theo kết luận từ phía Mỹ thì tỷ giá phải giảm xuống từ hơn 23,000 đồng về còn hơn 22,000 đồng. Còn nếu tiếp tục mua vào, nguy cơ bị Mỹ chính thức đánh giá là thao túng tiền tệ là khó tránh khỏi, và đó có thể mở đầu cho những động thái trả đũa bằng các hàng rào thuế quan.

Dù theo cách nào, để tiền đồng tăng giá hoặc bị áp thuế thương mại, hoạt động xuất khẩu vào thị trường Mỹ nói chung khó tránh khỏi bị ảnh hưởng tiêu cực, trong đó những doanh nghiệp đang xuất khẩu hàng đầu vào Mỹ sẽ bị ảnh hưởng trước nhất, đặc biệt ở nhóm ngành thủy sản, cao su, dệt may,…

Đơn cử như CTCP Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC), thị trường số 1 của công ty là Mỹ với tỷ trọng doanh thu xuất khẩu chiếm đến 54% trong năm 2019, cao hơn 2.7 lần so với thị trường xếp thứ hai là Trung Quốc, với tỷ trọng chiếm 20%. Hay như CTCP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (HOSE: MPC) cho biết, trong năm 2019 xuất khẩu sang Mỹ gần 246 triệu USD, chiếm hơn 38% doanh thu xuất khẩu và là thị trường quan trọng nhất của doanh nghiệp, xếp thứ hai là Nhật Bản chiếm tỷ trọng 20%, tương ứng kim ngạch xuất khẩu là 152 triệu USD. Ngoài ra, Mỹ cũng là thị trường xuất khẩu quan trọng của nhiều doanh nghiệp thủy sản khác như CTCP Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC), CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia (HOSE: IDI).

Ở nhóm cao su, các doanh nghiệp như CTCP Công nghiệp Cao su Miền Nam (HOSE: CSM), CTCP Cao su Ðà Nẵng (HOSE:DRC) đều có xuất khẩu các sản phẩm cao su, săm lốp sang thị trường Mỹ, trong đó DRC chỉ mới thâm nhập còn CSM đã có một giai đoạn phát triển sâu rộng ở thị trường này. Thống kê cho thấy riêng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu lốp xe của Việt Nam đạt 1.2 tỷ USD, trong đó thị trường lớn nhất là Mỹ đạt 604 triệu USD, chiếm 50.4%, gấp nhiều lần so với thị trường lớn thứ 2 là Brazil 40.6 triệu USD chiếm 3.4%.

Ở nhóm dệt may, CTCP May Sông Hồng (MSH) là một trong nhiều doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, trong đó có tới 90% giá trị xuất khẩu của công ty là sang thị trường Mỹ. Năm 2019, xuất khẩu dệt may sang Mỹ đạt gần 15 tỷ USD, chiếm khoảng 45% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của cả nước. Ngoài ra, Mỹ cũng là thị trường quan trọng của các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực trong 8 tháng qua như máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; gỗ và sản phẩm gỗ; phương tiện vận tải và phụ tùng, giày dép.

Hiện Mỹ là một trong những đối tác thương mại hàng đầu và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2019 đạt 77.6 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong 15 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Còn 8 tháng đầu năm nay, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 46.7 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước, theo đó Việt Nam tiếp tục đạt thặng dư thương mại lên đến 37.3 tỷ USD với phía Mỹ. 

Trước diễn biến này, nhiều ý kiến cho rằng NHNN khó có thể tiếp tục mua vào ngoại tệ trong giai đoạn tới, đồng nghĩa với việc chấp nhận cho tiền đồng lên giá so với USD, mà theo kết luận từ phía Mỹ thì tỷ giá phải giảm xuống từ hơn 23,000 đồng về còn hơn 22,000 đồng. Còn nếu tiếp tục mua vào, nguy cơ bị Mỹ chính thức đánh giá là thao túng tiền tệ là khó tránh khỏi, và đó có thể là mở đầu cho những động thái trả đũa bằng các hàng rào thuế quan.

Phan Thụy

FILI

Các tin tức khác

>   ELC: BCTC Hợp nhất quý 2 năm 2020 (09/09/2020)

>   BVH: BCTC Hợp nhất 6 tháng đầu năm 2020 (09/09/2020)

>   BVH: Giải trình BCTC hợp nhất quý 2 năm 2020 (sau soát xét) (09/09/2020)

>   D2D: Nghị quyết HĐQT về việc thuê lại đất tại Khu công nghiệp Châu Đức, góp vốn vào CTCP Sonadezi Bình Thuận (09/09/2020)

>   KOS: Nghị quyết HĐQT về việc mua lại trái phiếu trước hạn (09/09/2020)

>   LSS: Thông báo công văn của UBCKNN về chấp thuận gia hạn thời gian công bố BCTC năm 2020 cho LSS (09/09/2020)

>   KPF: Nghị quyết HĐQT về việc bổ nhiệm Kế toán trưởng (09/09/2020)

>   ELC: Đính chính số liệu đầu kỳ trên BCTC quý 2/2020 (09/09/2020)

>   HAR: Giải trình KQKD trong BCTC HN soát xét 6 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước (09/09/2020)

>   CLL: Giải trình chênh lệch lợi nhuận sau thuế lũy kế 6 tháng trong BCTC quý 2 so với BCTC bán niên được kiểm toán (09/09/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật