Lại đến mít Thái, cua biển rớt giá, ế thảm
Không chỉ dưa hấu, thanh long... các nông sản khác như mít Thái, cua biển ở miền Tây đều đang ế đồng dội chợ, giá giảm mạnh.
* 'Bão' cúm Corona thổi giá heo hơi giảm tới 5.000 đồng/kg
* Đề nghị 'giải cứu' nông sản bị 'vạ lây' từ dịch cúm Corona
Cua biển giảm mạnh khi thương lái không mua. Ảnh: Công Hân
|
Theo nhiều chủ vườn trồng trái cây ở ĐBSCL, chưa có năm nào giá trái cây sau tết rớt thảm hại như năm nay.
Còn 10.000 đồng/kg vẫn không dám mua
Tại vùng chuyên trồng mít Thái ở H.Châu Thành (Hậu Giang) được xem lớn nhất nhì ĐBSCL, chỉ sau tết vài ngày các cơ sở thu mua mít và thương lái mít vẫn còn đóng cửa. Anh Nguyễn Thanh Luân ở thị trấn Ngã Sáu, H.Châu Thành, cho biết thông thường sau mùng 6 tết anh khai trương cơ sở để thu mua mít Thái. Nhưng mấy ngày qua nghe phía Trung Quốc không ăn mít nữa, thế nên giá mít trước tết 40.000 - 55.000 đồng/kg, nay giảm xuống còn 10.000 - 15.000 đồng/kg mà vẫn không dám mua vào. Chính vì vậy từ tết đến nay cơ sở vẫn còn đóng cửa.
Anh Luân làm nghề thu mua mít hơn 3 năm nay nhưng cũng thừa nhận, thương lái vào thời điểm thu hoạch rộ vựa mua khoảng 5-6 tấn/ngày nhưng giá cả phụ thuộc phía thương lái Trung Quốc đưa ra mỗi ngày. “Thời điểm này phía Trung Quốc đang bị đại dịch do virus Corona nên phía thương lái bên đó lặng mất tăm, không thấy alo đặt hàng như trước đây. Lúc này phía thương lái các tỉnh như Vĩnh Long, Sóc Trăng và TP.Cần Thơ vẫn chưa dám đi mua mít trở lại sau nhiều ngày nghỉ tết vì giá đang rớt thê thảm. Chúng tôi cũng kêu người dân nên neo mít lại vài ngày nữa qua đợt dịch này, hy vọng giá mít tăng trở lại hãy cắt bán”, anh Luân nói.
Ông Trần Hồng Đức, Phó trưởng phòng NN-PTNT H.Châu Thành, cho biết toàn huyện có gần 5.000 ha trồng mít Thái siêu sớm, mang lại kinh tế cao cho nhà vườn nhiều năm nay. Thế nhưng từ sau tết đến nay, giá mít rớt thảm hại và có rất ít thương lái thu mua. Hiện do mít không đi Trung Quốc được nên việc thu mua chỉ thực hiện cầm chừng để tiêu thụ nội địa là chính.
Giá cua biển giảm 50%
Tương tự những ngày gần đây, tại các vùng nông thôn ở tỉnh Cà Mau, người nuôi cua đứng ngồi không yên vì giá giảm nghiêm trọng. Cua gạch hiện chỉ từ 300.000 - 350.000 đồng/kg, cua thịt 200.000 - 250.000 đồng/kg, giảm từ 250.000 - 300.000 đồng/kg so với thời điểm cận tết.
Bà Ngô Kim Thanh (ngụ xã Tân Hưng Đông, H.Cái Nước), chia sẻ: “Trước và cận tết, giá cua tăng mạnh, khoảng 600.000 - 650.000 đồng/kg nhưng hiện giảm chỉ còn một nửa. Nhiều nông dân lo lắng vì có thể sẽ còn tiếp tục giảm khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp”.
Theo nhiều nông dân ở H.Đầm Dơi, các thương lái thu mua cua cho biết từ khi có dịch bệnh thị trường Trung Quốc không ăn hàng nên giá cua giảm liên tục. Thương lái Trung Quốc đã ngưng mua từ mùng 2, 3 tết nên trong nước cũng không dám thu mua mạnh. Hiện họ đã mua trở lại, nhưng giá thấp và chỉ lựa chọn những con cua tốt, đẹp để mua.
Anh Nguyễn Văn Đen, một thương lái thu mua cua ở H.Đầm Dơi, thông tin: “Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính, bây giờ bên đó không nhập nên nhiều thương lái chỉ thu mua cầm chừng. Hiện, mặt hàng cua được tiêu thụ chủ yếu ở nội địa, ở các nhà hàng, quán ăn”.
Anh Lê Quân, một người thu mua ở H.Năm Căn than: "Cứ nghĩ như những năm trước, tết tôi vẫn đi thu mua cua, trữ lại sau tết giao cho các thương lái xuất đi Trung Quốc. Nhưng đùng cái, mùng 3 tết các thương lái thông báo họ ngưng mua cua vì Trung Quốc không ăn hàng. Khi đó, tôi đã mua được hơn 100 kg cua với giá hơn 500.00 đồng/kg. Buộc tôi phải bán lỗ lại, để cứu vốn và tránh cua chết".
Ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch Hội Thủy sản H.Năm Căn, cho biết: “Nông dân nuôi cua theo kiểu gối đầu, mỗi vụ cua dao động từ 4-6 tháng nên thời điểm nào cũng có cua để thu hoạch. Đến lứa thu hoạch, nông dân bắt buộc phải thu, nếu không thì cua sẽ chết hoặc bỏ đi. Chính vì vậy, tình hình này gây nhiều khó khăn cho nông dân. Hiện nay, nông dân đành chấp nhận bán với giá rẻ, lựa chọn vựa mua giá cao để bán”.
Công Hân
Thanh niên