Thứ Hai, 16/12/2019 10:53

Kỳ vọng nào cho thanh khoản ngân hàng mùa cuối năm?

Trước nhu cầu vốn mùa vụ đang nóng dần về cuối năm, thanh khoản ngân hàng được dự đoán sẽ trở nên eo hẹp. Tuy nhiên, với diễn biến mặt bằng lãi suất tiền gửi tiếp tục giảm vào những ngày đầu tháng 12, thanh khoản ngân hàng liệu có đi ngược với thông lệ cũ hay không?

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20/09/2019, tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng tăng 8.68%, cao hơn mức tăng tín dụng 8.4%, cho thấy thanh khoản ngân hàng dồi dào trong 9 tháng qua.

Thanh khoản của ngân hàng có dấu hiệu dư thừa ngay từ đầu tháng 09/2019, thể hiện rõ nét nhất cho sự dư thừa thanh khoản này là việc NHNN liên tục phát hành tín phiếu khối lượng lớn để hút bớt tiền về. Chỉ tính từ ngày 09/09 – 04/10/2019, NHNN đã hút ròng tổng cộng hơn 88,000 tỷ đồng ra khỏi thị trường liên ngân hàng.

Tuy thanh khoản dư thừa nhưng lãi suất tiền gửi huy động tại các NHTM vẫn tăng, nhất là ở các kỳ hạn dài, bất chấp lãi suất liên ngân hàng giảm. Theo lý thuyết thì thị trường liên ngân hàng có vai trò như một kênh hỗ trợ khẩn cấp khi ngân hàng có nhu cầu vốn. Như vậy, có nghĩa là vốn trên thị trường liên ngân hàng thường là vốn ngắn hạn.

Cho dù thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang rất dồi dào, song khó hỗ trợ được nhiều cho cơn khát vốn trung, dài hạn của các ngân hàng hiện nay. Vì lẽ đó, lãi suất huy động trên thị trường 1 vẫn neo ở mức cao, thậm chí có xu hướng tăng ở các kỳ hạn dài.

Sau động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN hồi giữa tháng 9/2019, các ngân hàng sau đó cũng giảm lãi suất huy động theo, tuy nhiên, lãi suất huy động trung, dài hạn vẫn không hề giảm.

Từ cuối tháng 10, sau khi lãi suất liên ngân hàng có dấu hiệu tăng trở lại, NHNN liên tục bơm ròng tiền ra thị trường. Theo Báo cáo thị trường tiền tệ tháng 11 của SSI Research, NHNN đã bơm ròng 103,176 tỷ đồng trên thị trường mở, giảm lãi suất mua kỳ hạn (OMO) từ 4.5%/năm xuống 4%/năm-bước giảm lớn nhất 50 điểm phần trăm trong 5 năm trở lại đây. NHNN chuyển từ hút ròng trong tháng 9 sang bơm ròng là do nhu cầu gia tăng dự trữ bắt buộc vào đầu tháng 11, khiến thanh khoản bớt dồi dào.

Trái với diễn biến lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại, trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn và cho vay lĩnh vực ưu tiên đồng loạt hạ xuống thấp hơn 0.5%/năm so với mức cũ.

Thanh khoản vẫn dồi dào vào cuối năm?

Mặc dù NHNN liên tục bơm ròng tiền ra thị trường nhưng lãi suất liên ngân hàng vẫn tăng khá mạnh, đã làm dấy lên nỗi lo thanh khoản trong những tháng cuối năm. Lãi suất bằng đồng Việt Nam trên liên ngân hàng đi ngang ở mức thấp quanh 2%/năm trong nửa đầu tháng 11, nhưng bất ngờ tăng mạnh lên quanh 4%/năm với kỳ hạn qua đêm trong 2 tuần cuối tháng 11, khi nguồn cung tiền đồng từ các NHTM lớn sụt giảm.

Theo nhiều chuyên gia nhận định, yếu tố mùa vụ cuối năm khiến nhu cầu tín dụng tăng cao và sau khi NHNN liên tục hút ròng tiền, thanh khoản đã không còn dồi dào như những tháng trước. Thậm chí không loại trừ trường hợp một số ngân hàng có thể gặp khó khăn về thanh khoản do tăng trưởng tín dụng quá nhanh so với tăng trưởng huy động.

Bên cạnh đó, tháng 11 cũng là tháng đầu tiên Thông tư 58/2019/TT-BTC về quản lý và sử dụng tài khoản của Kho bạc Nhà nước (KBNN) có hiệu lực, theo đó, tiền gửi không kỳ hạn của KBNN sẽ được quản lý tập trung về tài khoản của KBNN ở Sở giao dịch NHNN thay vì để tại các NHTM. Điều này cũng phần nào sẽ ảnh hưởng đến thanh khoản của các NHTM.

Thực tế, theo số liệu từ BCTC quý 3/2019, số dư tiền gửi có kỳ hạn của KBNN tại 4 NHTM lớn là khoảng 250,000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là tiền gửi có kỳ hạn. Song song đó, các NHTM cũng đã chủ động cơ cấu lại kỳ hạn để giảm thiểu ảnh hưởng của Thông tư 58, điển hình là vào ngày 30/09/2019, Vietcombank đã giảm số dư tiền gửi không kỳ hạn của KBNN từ hơn 31 nghìn tỷ đồng vào cuối 2018 xuống còn 5,332 tỷ đồng, BIDV cũng giảm từ gần 19 nghìn tỷ đồng xuống 4,642 tỷ đồng.

Có thể thấy, dù việc áp dụng thông tư mới có làm sụt giảm số dư tiền gửi không kỳ hạn của KBNN tại các NHTM, nhưng tác động không lớn. Chỉ biến động thanh khoản một phần đến từ việc quay vòng các khoản tiền gửi có kỳ hạn tại NHTM.

Từ khi Thông tư 58/2019/TT-BTC có hiệu lực, cơ chế vận hành nhuần nhuyễn hơn cùng sự điều hành tập trung từ NHNN, có thể giảm thiểu tác động từ biến động dòng tiền của KBNN đến thanh khoản và thị trường liên ngân hàng.

Bên cạnh đó, ngoại trừ 4 NHTM Nhà nước và một vài NHTM lớn, lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng của hầu hết các NHTM trong những tháng gần đây đều đang ở mức 5.5%/năm nên khi trần lãi suất huy động giảm, một loạt các NHTM cũng điều chỉnh giảm lãi suất ở kỳ hạn này về mức 5%/năm, sau quyết định hạ trần lãi suất tiền gửi của NHNN kể từ ngày 19/11/2019.

Điểm đáng chú ý là các kỳ hạn dài hơn cũng đã bắt đầu giảm, rõ rệt nhất là ở nhóm các NHTM có thị phần nhỏ (giảm 20-30 điểm phần trăm), thu hẹp mức chênh lệch lãi suất với nhóm các NHTM lớn. Lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng dao động trong khoảng 4.1-5.0%/năm, từ 6 đến dưới 12 tháng trong khoảng 5.5-7.5%/năm và từ 12-13 tháng là 6.4-7.9%/năm.

Diễn biến lãi suất huy động của ngân hàng đang ổn định và có chiều hướng giảm cùng với việc thận trọng kiểm soát đầu ra tín dụng, tạo cơ sở cho kỳ vọng thanh khoản ngân hàng được diễn ra “trơn tru” khi nhu cầu về vốn mùa cuối năm tăng cao.

Quan điểm điều hành thận trọng của NHNN trong việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng tổng thể, cùng với lộ trình siết chặt các quy định an toàn về vốn và tín dụng, được thể hiện rõ nét qua việc NHNN đã ban hành Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định về tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và Thông tư 18/2019/TT-NHNN quy định về cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính.

Theo quy định mới của Thông tư 22/2019/TT-NHNN, thì việc giới hạn tỷ lệ cấp tín dụng so với huy động (LDR) của các NHTM, sẽ được thống nhất ở mức 85% thay vì áp dụng mức 90% với các NHTM Nhà nước và 80% với NHTM tư nhân và nước ngoài.

Theo đó, các NHTM Nhà nước vốn dĩ có nguồn vốn dồi dào, nhưng đầu ra tín dụng sẽ bị hạn chế hơn do các quy định về an toàn vốn và tỷ lệ LDR. Trái lại, các NHTM cổ phần còn dư địa gia tăng tín dụng, thì có thể sẽ chấp nhận mức lãi suất huy động cao hơn.

Ái Minh

FILI

Các tin tức khác

>   Chính sách ngân hàng 2019 (kỳ 3): Những điểm mới trong mua bán ngoai tệ và ví điện tử (21/12/2019)

>   Chính sách ngân hàng 2019 (kỳ 2): Siết chặt cho vay bất động sản (19/12/2019)

>   Những chính sách lãi suất ảnh hưởng đến ngành ngân hàng năm 2019 (kỳ 1) (17/12/2019)

>   Basel II: Giờ G sắp điểm (16/12/2019)

>   SHB được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 15,044 tỷ đồng  (15/12/2019)

>   Chuyển nhầm tiền không đòi lại được vì... ai chẳng có lòng tham (15/12/2019)

>   Ngân hàng mở rộng dịch vụ đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt  (14/12/2019)

>   Viện kiểm sát kháng nghị 'đại án' Hứa Thị Phấn (14/12/2019)

>   Sacombank tiếp nhận 837 thực tập viên tiềm năng 2020 (14/12/2019)

>   Vay ngân hàng phải 'cõng' thêm phí bảo hiểm (14/12/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật