Nợ lời xin lỗi, Công ty Nước sạch Sông Đà có thể “bị phạt tiền và đình chỉ hoạt động”
Cùng với cấp nước trở lại cho khách hàng từ 20h30 phút ngày 16/10, Công ty Cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà trong một báo cáo phát đi đã khẳng định sẽ hỗ trợ cho người dân với chi phí tương đương giá bán mà công ty đang ký hợp đồng với các khách hàng từ thời điểm có thông báo cấp nước trở lại này cho đến khi có thông báo khác.
Việc cam kết sẽ hỗ trợ chi phí của phía công ty đến nay còn rất mơ hồ, không rõ sẽ đền bù chi phí thế nào, thực hiện ra sao.
Gây "khủng hoảng nước", Công ty Sông Đà phải đền bù
Bê bối nước nhiễm dầu thải bẩn của Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà vẫn rất gay gắt bởi nước của công ty cung cấp hiện chỉ dùng cho tắm giặt và khuyến nghị không dùng cho ăn uống. Hàng triệu người dân Hà Nội đang lâm vào thiếu nước, tâm lý bất an, chất lượng nước vẫn bỏ ngỏ. Để khách hàng lâm vào cảnh thiếu nước trầm trọng làm xáo trộn nhịp sống sinh hoạt nhưng Công ty Nước sạch Sông Đà cũng nói rằng mình cũng là bên bị hại và chịu thiệt hại lớn nhất.
"Xin lỗi hay không sẽ chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng. Chúng tôi là thiệt hại nhất", đại diện của Công ty Nước sạch Sông Đà nói trong cuộc họp báo ngày 16/10.
Trao đổi với VnEconomy, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Luật Basico, khẳng định vụ việc có trách nhiệm rất lớn của Công ty Nước sạch Sông Đà thể hiện rõ trong việc phát hiện nguồn nước đầu vào có vấn đề nhưng vẫn cung cấp bán cho khách hàng.
"Đó là hành vi không thể chấp nhận được. Nếu phát hiện nguồn nước nhiễm dầu thải cần ngay lập tức dừng việc cấp nước để xử lý ô nhiễm. Thế nhưng, trên thực tế, nguồn nước này vẫn cung cấp cho khách hàng sử dụng, đó là hành vi không thể chấp nhận được", ông Đức nói.
Vị luật sư cũng cho rằng, hành động đó của Công ty Nước sạch Sông Đà về lý đã vi phạm hợp đồng, về tình là lừa đối chính khách hàng của mình. Chưa tính đến mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, lượng nước ô nhiễm bán cho dân có thể quy ra số tiền người dùng phải trả để làm căn cứ bồi thường sắp tới.
Theo ông Đức, trong trường hợp này, Công ty Nước sạch Sông Đà phải có trách nhiệm bồi thường hợp đồng, khắc phục hậu quả và thậm chí không loại trừ trường hợp của tội phạm hình sự vì đầu độc, làm ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng.
"Về nguyên tắc, mua bán nước sạch là mua bán hàng hóa phải tuân thủ Bộ luật dân sự. Dù nước sạch nhà sản phẩm có yếu tố đặc biệt nhưng cơ bản vẫn vậy, vì kinh doanh nước sạch vẫn có lãi, giá theo thị trường.
Vì vậy, Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà sẽ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho người tiêu dùng, thiệt hại về sức khỏe, ảnh hưởng gián tiếp khác. Việc bồi thường bao nhiêu cần có quá trình điều tra, kiểm tra, xác định sự cố, mức độ thiệt hại mới xác định mức bồi thường cho người dân", ông Đức nói.
Ai phải chịu trách nhiệm?
Về trách nhiệm, theo ông Đức, người đầu tiên phải chịu trách nhiệm đó chính là đại diện pháp luật của công ty. Tuy nhiên, nếu người đại diện không biết hay không đưa ra quyết định trong việc tiếp tục cấp nước dù nguồn nước kém chất lượng thì họ sẽ chịu trách nhiệm gián tiếp. Những cá nhân đưa ra quyết định trong sự việc này sẽ là những người phải "gánh" trách nhiệm trực tiếp. Riêng về pháp nhân, có thể công ty sẽ phải chịu phạt tiền và nặng hơn sẽ là đình chỉ hoạt động.
Ngoài ra, Luật sư Trương Thanh Đức cũng nhấn mạnh với nhà chức trách cần có phương án dự trù về lâu dài chứ việc hứng nước bằng xô chậu thì chỉ là biện pháp tình thế, rất thụ động.
Khi được hỏi về việc tại sao biết nước nhiễm bẩn mà vẫn cấp nước cho người dân, ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng giám đốc Công ty nước Sông Đà trong cuộc họp ngày 15/10 nói: "Với thâm tâm của tôi 80% muốn dừng cấp nước vì nghĩ có thể chất lượng nước có vấn đề. Trong thâm tâm không lấy tính mạng người dân để mà ấy được… Tôi cũng là Tổng giám đốc làm thuê thôi. Nếu không cấp nước thì quá an toàn và quá hay. Mọi chuyện chỉ có một cái tâm duy nhất là phục vụ người dân, vì người dân, không vì cái gì hết".
Đã có kết quả xét nghiệm nước mới nhất
Theo cập nhật mới nhất từ Sở Y tế Hà Nội, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã lấy 8 mẫu nước tại nhà máy, bể chứa ở Thạch Thất, trạm điều tiết lưu lượng Tây Mỗ, Họng kiểm soát 1.200 BigC và các gia đình ở quận Thanh Xuân, Hoàng Mai.
Kết quả cho thấy có 1 mẫu nước thành phẩm tại nhà máy nước sông Đà đạt 107/107 chỉ tiêu mức độ giám sát A, B, C theo QCVN 01:2009 của Bộ Y tế.
7/7 mẫu còn lại đạt 15/15 tiêu chí mức độ giám sát A và chỉ tiêu Styren, trừ 1 mẫu có chỉ tiêu hàm lượng clo dư thấp hơn tiêu chuẩn cho phép.
Bê bối nước sông Đà nhiễm bẩn bắt đầu từ sáng 9/10, Công ty nước sạch sông Đà phát hiện có váng dầu tại suối Bằng, sau đó đã kiểm tra ngược theo dòng suối và phát hiện trên đường liên xã Hợp Thịnh - Phức Tiến - Phú Minh có đổ thải dầu, dầu chảy tràn xuống suối TrậmTừ đỉnh dốc (điểm có dầu) đến điểm chảy xuống suối khoảng 150 m.
Do trời mưa nên có hiện tượng dầu chảy lan xuống suối Trầm và khu vực xung quanh. Công ty đã thông báo tới Công an xã Phúc Tiến vào chiều ngày 9/10 đồng thời xã đã thông báo cho Công an huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Dòng nước đầu nguồn bị nhuộm đen do dầu thải
|
Công ty đã tiến hành rải cát trên toàn bộ bề mặt đường có dính dầu, khoanh vùng dầu chảy tràn trên bề mặt suối và thu gom dầu, nước dính dầu, cây cỏ có dính dầu, khối lượng thu gom khoảng 100 lít váng dần lẫn nước, 7 bao tải cỏ dính dầu được lưu giữ trong kho chứa chất thải nguy hại tại nhà máy.
Sau đó, người dân một số quận Hà Nội như Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai… phát hiện nước có mùi khét nồng nặc, thậm chí có váng dầu đen. Người dân vô cùng hoang mang.
Ngày 15/10, Tp. Hà Nội xác nhận nguyên nhân của tình trạng do việc đổ nhớt thải khu vực đầu nguồn, các mẫu nước có hàm lượng styren cao hơn giới hạn cho phép, kết hợp với mùi nồng nặc của clo. Hà Nội cũng đưa ra khuyến cáo người dân vùng nước nhiễm bẩn không dùng nước để nấu ăn, uống.
Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà đã phát hiện ra nguồn nước bị nhiễm dầu bẩn nhưng không báo cáo và không có bất cứ hành vi ứng cứu ngăn chặn ô nhiễm của nguồn dầu này theo quy định.
UBND Tp. Hà Nội khẳng định đây là trách nhiệm của Công ty nước sạch Sông Đà và yêu cầu công ty khắc phục sự cố.
Liên quan đến vụ việc đổ dầu thải trộm ra môi trường, Cơ quan Cảnh sát điều tra huyện Kỳ Sơn - Hoà Bình cũng đã khởi tố vụ án.