Thứ Sáu, 29/12/2017 13:02

Chính sách TTCK 2017: Điểm cộng từ chứng khoán phái sinh

Sự ra đời của chứng khoán phái sinh trong năm 2017 trở thành điểm sáng duy nhất trên thị trường khi mà câu chuyện nâng hạng và nghiệp vụ T+0 tiếp tục là điểm trừ.

Sau một thời gian dài chờ đợi (lộ trình phát triển chứng khoán phái sinh được duyệt năm 2014), cuối cùng thị trường chứng khoán phái sinh cũng đã chính thức ra mắt vào ngày 10/08/2017 với 4 hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30. Từ con số 487 hợp đồng, tương ứng giá trị 36.5 tỷ đồng trong phiên giao dịch đầu tiên, đến cuối năm 2017, tức chỉ hơn 4 tháng giao dịch, tổng khối lượng giao dịch chứng khoán phái sinh đã lên đến hơn 1 triệu hợp đồng, giá trị 95,000 tỷ đồng.

Với vai trò phòng ngừa rủi ro trên thị trường chứng khoán (TTCK), nên chứng khoán phái sinh đã thu hút đáng kể nhà đầu tư trong nước tham gia. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là hoạt động giao dịch tập trung chủ yếu ở các nhà đầu tư cá nhân trong nước (97.7%). Sự tham gia của nhà đầu tư tổ chức trong nước còn khiên tốn, chỉ chiếm khoảng 0.24% khối lượng giao dịch toàn thị trường. Nguyên nhân được cho là chưa có sự phối hợp giữa thành viên bù trừ và ngân hàng lưu ký để khiến nhà đầu tư tổ chức sẵn sàng tham gia thị trường này. Bên cạnh đó, nhà đầu tư ngoại chưa yên tâm vì chưa kiểm soát được rủi ro, giám sát được sự biến động của luồng tiền từ ngân hàng lưu ký chuyển sang công ty chứng khoán (CTCK) khi chưa định hình một cơ chế khả thi.  

Ngoài ra, cũng liên quan đến phái sinh, một sản phẩm phòng ngừa rủi ro mà Sở GDCK TPHCM (HOSE) xây dựng là chứng quyền có đảm bảo (covered warrant) đã có những bước tiến mới khi Trung tâm lưu ký (VSD) đang lấy ý kiến dự thảo Quy chế về hoạt động đăng ký, lưu ký, thanh toán, bù trừ. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo thông tư Hướng dẫn kế toán chứng quyền có bảo đảm đối với công ty chứng khoán là tổ chức phát hành và dự kiến sẽ áp dụng cho năm tài chính bắt đầu từ ngày 01/01/2018.

Khác với hợp đồng tương lai chỉ số, covered warrant được xây dựng trên tài sản cơ sở là những chứng khoán giao dịch trên thị trường, mà hiện tại có 21 mã chứng khoán đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để trở thành chứng khoán cơ sở. Ngoài ra, có rất nhiều mã trong số 21 chứng khoán đã kín room, do đó khi các công ty chứng khoán bắt đầu phát hành chứng quyền trên thị trường, dự báo nhu cầu từ khối ngoại sẽ rất lớn.

Sự ra đời của chứng khoán phái sinh trong năm 2017 trở thành điểm sáng duy nhất trên thị trường.

Phân bảng UPCoM nhưng vẫn chưa cho phép cổ phiếu giao dịch kỹ quỹ

Một trong những chính sách quan trọng nữa được ban hành trên thị trường chứng khoán năm nay liên quan đến sàn UPCoM.

Cụ thể, ngày 19/05/2017, HNX ban hành Bộ nguyên tắc phân bảng UPCoM theo quy mô vốn. Việc phân bảng UPCoM theo quy mô vốn nhằm hỗ trợ nhà đầu tư trong việc theo dõi các nhóm doanh nghiệp một cách dễ dàng và có chọn lọc.

Chứng khoán đăng ký giao dịch trên UPCoM và không thuộc bảng cảnh báo nhà đầu tư được phân loại gồm UPCoM Large (chứng khoán của tổ chức đăng ký giao dịch có vốn chủ sở hữu từ 1,000 tỷ đồng trở lên), UPCoM Medium (vốn chủ sở hữu từ 300 tỷ đến dưới 1,000 tỷ đồng) và UPCoM Small (vốn chủ sở hữu từ 10 tỷ đến dưới 300 tỷ đồng).

Quyết định trên của HNX sẽ thay thế cho Quyết định số 282/QĐ-SGDHN ngày 09/05/2016 về việc ban hành Bộ nguyên tắc phân bảng UPCoM Premium trên hệ thống giao dịch UPCoM. Song, vấn đề được nhà đầu tư trên thị trường mong đợi nhiều nhất chính là việc cho phép giao dịch ký quỹ đối với cổ phiếu trên UPCoM vẫn chưa áp dụng.

Trước đó, HNX có trình UBCK việc cho phép một số cổ phiếu “VIP” trong nhóm UPCoM Premium được giao dịch ký quỹ để giúp tăng tính hấp dẫn và thanh khoản của thị trường.

Nghiệp vụ T+0 và bán chứng khoán chờ về phải chờ đến 2018?

Ngày 01/07/2016, Thông tư 203/2015/TT-BTC về hướng dẫn giao dịch trên thị trường chứng khoán đã chính thức có hiệu lực với nhiều điểm mới tiệm cận với quốc tế hơn như được phép vừa mua và vừa bán chứng khoán trong từng lần khớp lệnh liên tục, được giao dịch khi có bảo lãnh thanh toán của ngân hừng lưu ký, tạo cơ sở pháp lý cho giao dịch trong ngày, giao dịch chứng khoán chờ về và tạo lập thị trường.

Khi Thông tư này chính thức có hiệu lực, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sẽ được giao dịch với T+0 và bán chứng khoán chờ về (dạng bán khống có đảm bảo), tuy nhiên cho đến nay mới chỉ dừng ở việc được vừa mua và vừa bán chứng khoán trong từng lần khớp lệnh liên tục.

Để thực hiện được nghiệp vụ này, các CTCK đáp ứng đồng bộ các yêu cầu về quản trị rủi ro, an toàn hệ thống và VSD triển khai hệ thống hạ tầng. Và đây cũng chính là lý do việc triển khai nghiệp vụ T+0 và bán chứng khoán chờ về lâu hơn dự kiến. 

Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Điệp - Giám đốc chi nhánh TPHCM CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) chia sẻ, chính sách thì đã có nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc về nhiều phương diện nên chưa thể thực hiện được. Xét đến mặt bằng hạ tầng kỹ thuật từ phía VSD và tại hai Sở hiện đều đã đủ khả năng phục vụ, tuy nhiên hệ thống giao dịch tại các công ty chứng khoán cơ sở lại chưa đồng đều. Hơn nữa, về kinh nghiệm cũng như mặt nhân sự đủ khả năng vẫn chưa đảm bảo. Song song đó, trình độ nhà đầu tư Việt Nam cũng cần cải thiện nhiều hơn trước khi cho chính sách T+0 chạy. Từ những lý do trên ông nhận thấy khả năng thực thi chính sách này ngay trong năm nay vẫn là rất khó. Việc áp dụng nghiệp vụ này rất cần sự thận trọng vì tính chất rủi ro thanh toán ở mức khá cao, tuy vậy, một khi chính sách được đưa vào thị trường thì thanh khoản cũng sẽ tăng rất mạnh.

Chính thức sửa quy chế margin liên quan đến thuế

Trong năm 2017, một chính sách đã ban hành trước đó có hiệu lực đã trở thành “điều tồi tệ” cho nhiều cổ phiếu trên sàn, gây tác động đáng kể lên nhà đầu tư.

Cụ thể, theo Quyết định số 87/QĐ-UBCK về việc ban hành Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán mới thay thế Quyết định số 637/QĐ-UBCK ngày 30/08/2011 và Quyết định số 09/QĐ-UBCK ngày 08/01/2013 về việc sửa đổi Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán có hiệu lực từ ngày 01/04/2017, quy định chứng khoán đủ điều kiện giao dịch ký quỹ không thuộc trường hợp là “Công ty niêm yết nhận được kết luận của cơ quan thuế về việc công ty vi phạm pháp luật thuế”.

Ngay sau khi có hiệu lực, hàng loạt cổ phiếu như TDH, VDS, PAC, NTL, HU3, TRA, PXS, DTL, PGS, HVA… bị hai Sở đưa vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ do vi phạm thuế. Lập tức sau đó thì nhiều cổ phiếu đã chịu cảnh sụt giảm rất mạnh mà nguyên nhân là phía CTCK buộc bán ra để hạ tỷ lệ margin về 0%.

Điều đáng nói là quy định này chỉ dừng lại ở mức độ rất chung chung, không có một phạm vi, mức độ cụ thể, do đó mà nhiều trường hợp mà khi nhiều doanh nghiệp bị rơi vào trường hợp này đã khiến nhà đầu tư vô cùng bị động. Theo ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh – Phó Chủ tịch CTCK Sen Vàng (GLS), các doanh nghiệp áp dụng cơ chế tự kê khai, tự nộp và chịu hậu kiểm của cơ quan thuế. Vì vậy, những sai phạm rất dễ xảy ra, vì nhiều lý do khác nhau, như cách hiểu khác nhau về các quy định về thuế, những sai sót có thể phát sinh về ghi hóa đơn, hợp đồng… thậm chí cùng một vấn đề nhưng quan điểm của doanh nghiệp và cơ quan thuế khác nhau sẽ dẫn đến kết quả khác nhau và từ đó gây ra sai sót. Do đó, một cổ phiếu dù tốt cỡ nào mà vướng phải quy định này chắc chắn chịu nhiều ảnh hưởng về giao dịch, đó là chưa kể về thương hiệu. Ngoài ra, đây là câu chuyện chưa có tiền lệ nên sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực lên tâm lý nhà đầu tư, thậm chí trong trường hợp cổ phiếu được cho giao dịch margin trở lại, nhà đầu tư chắc chắn sẽ rất e ngại.

Và trước phản ánh của nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư, HOSE từng tạm dừng thực hiện cắt margin với doanh nghiệp vi phạm thuế, xin ý kiến hướng dẫn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Đến ngày 27/12, UBCKNN ban hành Quyết định số 1205/QĐ-UBCK về việc sửa đổi Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán ban hành kèm theo Quyết định số 87/QĐ-UBCK ngày 25/01/2017. Quyết định có hiệu lực từ 02/01/2018.

Quy định mới này sửa đổi Khoản 5 Điều 3 Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán (margin). Trong đó, phạm vi bị cắt margin liên quan đến thuế được thu hẹp lại. Nếu như trước đây chỉ cần có kết luận vi phạm hành chính từ cơ quan thuế là cổ phiếu bị cắt margin ngay thì quy định mới chỉ còn áp dụng cho “hành vi trốn thuế, gian lận thuế” hay “không chấp hành”.

Lấy ý kiến Dự thảo đề nghị xây dựng Luật Chứng khoán sửa đổi lần 2

Ngày 13/01/2017, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã công bố lấy ý kiến góp ý Dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Chứng khoán sửa đổi lần 2.

UBCK cho biết thực tiễn thi hành Luật Chứng khoán trong hơn 10 năm qua cho thấy có bốn loại hạn chế chủ yếu gồm hạn chế từ công tác hướng dẫn, tổ chức thi hành Luật Chứng khoán; hạn chế trong thực tiễn thi hành xuất phát từ chính các quy định của Luật Chứng khoán; hạn chế trong thực tiễn thi hành Luật Chứng khoán xuất phát từ những quy định mới được sửa đổi tại các Luật có liên quan và cuối cùng là hạn chế xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn phát triển TTCK và yêu cầu hội nhập quốc tế.

Những hạn chế này khiến cho Luật Chứng khoán hiện hành trở nên thiếu tính minh bạch, rõ ràng, thiếu tính hệ thống, một số quy định không còn phù hợp, thống nhất và đồng bộ với một số quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại các văn bản quy phạm phát luật có liên quan. Có trường hợp cùng một nhóm vấn đề nhưng được hướng dẫn rải rác tại nhiều văn bản, gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân liên quan, cũng như cho cơ quan quản lý trong thực hiện, theo dõi và áp dụng. Đồng thời, những quy định trong Luật đã hạn chế khả năng phản ứng nhanh trước biến động thị trường của cơ quan quản lý Nhà nước.

Do vậy, Bộ Tài chính lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Chứng khoán (sửa đổi). Để hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Chứng khoán (sửa đổi) trình Chính phủ xem xét, thông qua, Bộ Tài chính tổ chức lấy ý kiến các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan và đối tượng chịu sự tác động của chính sách về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Chứng khoán (sửa đổi) theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Phương Châu

FiLi

Các tin tức khác

>   Quyết định về việc sửa đổi Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán (28/12/2017)

>   Quyết định 1205: Sửa đổi quy chế giao dịch ký quỹ từ 02/01/2018 (28/12/2017)

>   VSD sẽ nghiên cứu nghiệp vụ T+0 trong năm 2018 (22/12/2017)

>   BDT: Quy chế Công bố thông tin (22/12/2017)

>   CHP: Quy chế hoạt động của HĐQT (14/12/2017)

>   Sở GDCK Hà Nội sửa đổi quy chế niêm yết chứng khoán (12/12/2017)

>   Chính sách mới hiệu lực từ tháng 12/2017: Ghi sổ đỏ, kinh doanh đặt cược, mức thu nhập vào casino... (02/12/2017)

>   CLX: Công bố thông tin về việc sửa đổi, bổ sung Quy chế hoạt động của hội đồng quản trị và Quy chế quản lý tài chính (30/11/2017)

>   TIS: Quyết định về việc ban hành Quy chế công bố thông tin (27/11/2017)

>   HOSE: Lưu ý việc chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền (27/11/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật