Thứ Ba, 22/05/2012 11:04

Quy luật của thị trường

Gói giải cứu doanh nghiệp 29.000 tỉ đồng theo Nghị quyết 13 của Chính phủ ban hành ngày 10-5 chỉ bằng một phần năm của gói kích cầu năm 2009 (150.000 tỉ đồng). Tuy nhiên tình hình kinh doanh của doanh nghiệp hiện nay khó khăn nhiều hơn năm 2009 nên số doanh nghiệp được “cứu” chắc chắn là không nhiều.

Nếu dùng từ cho chính xác thì gọi hỗ trợ đúng hơn là giải cứu. Theo thông tin mới nhất của Tổng cục Thống kê và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 30-4-2012, trong tổng số 647.627 doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh, chỉ còn lại 463.802 doanh nghiệp hoạt động. Có 81.929 doanh nghiệp đã giải thể, 16.075 doanh nghiệp đăng ký dừng hoạt động và 85.821 doanh nghiệp dừng hoạt động nhưng không đăng ký. Trong bốn tháng đầu năm, tổng số doanh nghiệp đã giải thể và dừng hoạt động tiếp tục tăng mạnh, lên đến 17.735 doanh nghiệp.

Với gói tiền như vậy, chắc chắn không thể hỗ trợ tất cả doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Chỉ có thể hỗ trợ cho những doanh nghiệp đang hoạt động, còn bán được hàng và kinh doanh có lãi vì với việc đề xuất giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp và giãn thuế giá trị gia tăng sáu tháng... doanh nghiệp sẽ giảm chi phí, giảm áp lực đi vay để dần dần ổn định sản xuất, kinh doanh. Còn những doanh nghiệp tồn kho lớn, lỗ vốn, không có khả năng trả lãi ngân hàng thì không cứu vãn nổi. Các doanh nghiệp này khó có khả năng hấp thụ vốn cho dù được ngân hàng cho vay với lãi suất rất thấp.

Như vậy xã hội chúng ta phải chấp nhận hàng loạt doanh nghiệp phá sản theo quy luật khắc nghiệt của thị trường. Và đây cũng là chuyện đương nhiên xảy ra ở những nước diễn ra khủng hoảng kinh tế.

Gác qua một bên những nguyên nhân thuộc về điều hành kinh tế vĩ mô và diễn biến bất lợi của thị trường thế giới, đứng ở góc độ kinh doanh của doanh nghiệp, có thể rút ra những bài học, những kinh nghiệm xương máu. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định không ít doanh nghiệp Việt Nam không có chiến lược kinh doanh, tính chuyên nghiệp rất thấp, hoạt động kinh doanh mang tính cơ hội. Phổ biến là sống dựa ngân hàng,vay vốn ngân hàng để thực hiện những thương vụ ngắn hạn và rước lấy rủi ro lớn.

Sự kiện hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phá sản hoặc sống dở chết dở hiện nay là một minh họa sinh động của cách làm ăn này. Mặt khác, trong một thời gian dài trước đây, nhiều doanh nghiệp phát triển, thậm chí giàu to nhờ những cơ hội lớn từ thị trường, nhưng do thiếu chiến lược kinh doanh, đến lúc kinh tế suy thoái như hiện nay thì tài sản tiêu tan dần.

Phải chăng đã đến lúc chúng ta phải chấp nhận việc phá sản với một tâm thế bình thường. Đó là một thực tế cay đắng mà muốn khác đi cũng không được trong bối cảnh hiện nay. Có những doanh nghiệp “chết” là đúng thì giải cứu cũng không có lợi. Thật ra phá sản là một sự “tàn phá” để đổi mới. Vẫn cơ sở kinh doanh đó, chỉ có ông chủ là thay đổi, điều hành tốt hơn, nhiều vốn hơn là tiền đề cho doanh nghiệp phát triển tốt hơn. Và việc doanh nghiệp phá sản hàng loạt cũng là bài học xương máu cho doanh nghiệp lớp sau hướng đến sự phát triển bền vững.

Đối với gói hỗ trợ hiện nay của Chính phủ, chắc chắn không đủ lực để cứu tràn lan, vì vậy doanh nghiệp phải dựa vào nỗ lực chính mình để vượt khó và muốn tồn tại lâu dài thì phải thay đổi tư duy, có chiến lược phát triển bài bản.

TBKTSG

Các tin tức khác
Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật